Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

'Ông hoàng cải lương' Vũ Linh: Tính khí dọc ngang, nặng nợ gia đình, nặng nghĩa thầy trò

Cả đời Vũ Linh không chỉ dành cho ca hát mà còn bảo bọc cho gia đình. Cái ân tình thầy trò cùng nghệ sĩ Diệu Hiền cũng khiến khán giả truyền tụng nhiều câu chuyện đẹp.

Cả đời trả ơn cha mẹ, bảo bọc anh em

Nhiều người gặp Vũ Linh ngoài đời có thể sẽ không mấy thiện cảm, thậm chí sẽ nghĩ ông chảnh. Với bạn bè, đồng nghiệp và người thân lại rất mực yêu quý cái tính bộc trực, thẳng như ruột ngựa, có chuyện gì vui hay buồn, ông cứ làm ào ào lên xong rồi thôi. Hiếm thấy ông để bụng lâu chuyện gì. Vũ Linh khó tính. Thật, nói đến nghề hát, nói đến sân khấu, tình yêu và cũng là thánh địa của ông hẳn ông phải kĩ, phải khắt khe để cái nghề được truyền lâu và giữ đúng chất như ngày nào vàng son. Cái tính dọc ngang của ông cũng không mấy làm người khác dễ chịu. Cũng cái tính đó mà nhiều cô “chết lên chết xuống”. Người ta có thể xiêu lòng trước một người đàn ông vì đẹp trai, tài giỏi ngày một ngày hai nhưng lại nhớ cả đời vì chất đàn ông thấm trong từng lời nói hành động. Dáng dấp Vũ Linh toát nên nét thư sinh nhưng tính khí ông lại đậm chất anh hùng mã thượng. Cứ gặp chuyện bất bình là ra tay tương trợ đúng như những vai diễn đầy hào khí của ông từng làm say mê triệu con tim như: Triệu Tử Long, Vương Chí Bảo, Hào Trình….

Nhìn vẻ ngoài khó đăm đăm, ít cười và trầm ngâm của Vũ Linh sẽ làm bạn không dám tiếp cận nhưng đã nói chuyện được vài câu, đã hiểu tính ông thì mới thấy ông hài hước và dí dỏm lắm. Đối với những người giỏi nghề thường sẽ giấu nghề. Vậy mà Vũ Linh lại đem cái nghề hát, từng đường vũ đạo làm nên tên tuổi ông truyền cho các thế hệ mai sau. Ông nâng đỡ chỉnh sửa từng lời ca tiếng hát cho hậu bối. Bởi, khi được cơ hội diễn chung với “ ông hoàng” Vũ Linh thì sợ thiệt đó nhưng sướng lắm, mỗi khi hát xong, các nghệ sĩ trẻ đều thấy mình học được nhiều kinh nghiệm sân khấu, được truyền cái lửa nghề.

chuyen-doi-truan-chuyen-cua-em-gai-nghe-si-cai-luong-vu-linh-4f2470-ngoisao 0

Nghệ sĩ Hồng Nhung - em gái của Vũ Linh

Nói đến lăng xê các cô đào trẻ thì khó ai qua Vũ Linh. Cái thời ông là kép chính lừng lẫy nhất của cải lương khi ấy, chưa từng có một kép đẹp nào có khả năng lăng xê cùng lúc nhiều cô đào cải lương như ông. Từ Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Phượng Mai, Thoại Mỹ… đều thành công nhờ vào đóng cặp với ông. Vậy mà “bụt nhà không thiêng” Vũ Linh lại không thể lăng xê được em gái của mình. Đó là nghệ sĩ cải lương Hồng Nhung.

Gia đình Vũ Linh nghèo lắm. Bố mẹ đều xuất thân từ tầng lớp lao động chân tay. Từ khi mới chập chững đi hát ông đã biết phụ giúp gia đình bằng những đồng lương ít ỏi. Khi trở thành một ngôi sao của lĩnh vực nghệ thuật, Vũ Linh càng chăm lo cho cha mẹ anh em không kém cạnh bất kì ai. Nhất là với hai người em cùng theo nghề hát là: Tiểu Linh và Hồng Nhung. Em trai Tiểu Linh sở hữu giọng nam ca trong trẻo và vào tuồng cũng ngọt không kém anh trai. Thế nhưng, ngoại hình lại thiếu cái chất thư sinh nho nhã, lãng tử đa tình pha lẫn chút bộc trực, dọc ngang nên dù được anh trai dẫn dắt nâng đỡ vẫn không tạo được cột mốc vẻ vang.

Cô em gái Hồng Nhung càng nhận được sự yêu thương, quan tâm của Vũ Linh nhưng cũng không khá khẩm hơn Tiểu Linh là mấy. Thời cải lương còn ở giai đoạn vàng son, Hồng Nhung đã được người anh trai tài hoa đích thân truyền nghề. Ông nắn nót cho em gái từng nhịp phách, tập từng đường múa. Ông còn tỉ mỉ sắm từng cây son, hộp phấn cho em gái mỗi khi đi diễn. Tuy chỉ hát ở đoàn tỉnh nhưng Hồng Nhung có một giọng ca “ngọt như mía lùi” cùng một nhan sắc lộng lẫy. Vậy mà bà cũng không tìm được một chỗ đứng vững chắc trên sân khấu khi mà những cô đào như: Tài Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ… vẫn nổi đình đám. Vũ Linh từng mang Hồng Nhung về các đoàn hát Sài Gòn để nâng đỡ nhưng không thể lăng xê em mình được vì khán giả cải lương rất khắt khe, họ không muốn người thân, anh – em cùng trong một gia đình lại đóng cặp, diễn cảnh mùi mẫn với nhau. Hồng Nhung dù tài sắc đủ cả nhưng phải cam phận đóng những vai phụ, đào nhì.

hai-anh-em-vu-linh-hong-nhung-2-ngoisao 0

Sự nghiệp không như ý nguyện, trong cuộc sống riêng, Hồng Nhung cũng không gặp may mắn. Bà làm đám cưới với nghệ sĩ Quang Minh khi hát chung đoàn tỉnh. Khi cả hai lấy nhau được ít lâu thì Hồng Nhung mới biết được rằng, trước đó, chồng bà đã có gia đình (tuy là không hôn thú) và có con riêng. Khi con gái Hồng Phượng được 2 tuổi cũng là lúc Hồng Nhung quyết định chia tay chồng.

Khi em gái quyết định lấy chồng, Vũ Linh là người kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này từ đầu nhưng vì thương em gái mà ông đành chiều ý. Khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, Hồng Nhung dắt Hồng Phượng trở về với gia đình. Vũ Linh dù tức và giận lắm nhưng vẫn đưa em gái về sống cùng, cưu mang, chăm sóc cho Hồng Nhung và cháu gái. Ôn không cho nghệ sĩ Quang Minh chu cấp cho hai mẹ con mà với nghĩa vụ một người anh lớn, Vũ Linh cảm thấy mình có trách nhiệm lo toàn bộ cho cháu và em.

hong-phuong-va-cau-5-vu-linh-ngoisao 0

hong-phuong-vu-linh-2-ngoisao 0

Hồng Phượng

Đến nay, Vũ Linh vẫn sống cùng em gái, cháu gái và con gái Võ Thị Hồng Loan. Ngày cháu gái Hồng Phượng đậu đại học, Vũ Linh kể ông mừng đến rơi nước mắt. Vì gia đình ông, có ai học hành đến nơi đến chốn đâu. Dù chăm chỉ học hành, Hồng Phượng vẫn nặng nợ ca hát như cậu năm và mẹ. Cô chọn thể loại nhạc dân ca quê hương. Mới đây, cô đăng kí tham gia chương trình “Sao nối ngôi”. Đêm chung kết, Vũ Linh bước lên sân khấu trợ diễn cho cháu gái mình trong vở “Duyên kiếp”, vở diễn gắn liền với tên tuổi của ông một thời. Khán giả vỗ tay giòn giã khi giọng ông cất lên. Vũ Linh không giấu được sự nghẹn ngào xúc động: “Bé Phượng sống với cậu từ nhỏ. Hồi nào giờ có nghe nó hát cải lương lần nào đâu. Vậy mà hôm nay đứng trên một sân khấu lớn, nhìn cháu nó ca diễn, tôi mừng lắm. Vậy là gia đình tôi đã có người nối ngôi, tiếp tục duy trì cái nghề hát thân thương này”.

Tính tình ngang dọc nhưng “ông hoàng" vẫn phải cúi đầu trước thầy

Nặng nợ với gia đình, Vũ Linh còn khiến bạn bè, đồng nghiệp trong nghề kính trọng nể nang bởi cái tình với người thầy đã cưu mang mình. Trong giới cải lương truyền tai nhau câu nói, không có NSƯT Diệu Hiền sẽ không có NSƯT Vũ Linh như ngày hôm nay và ngược lại. Hiếm ai có thể tìm được một tình thầy nghĩa trò gắn bó, tận lực hỗ trợ nhau trên sân khấu cũng như trong cuộc sống như Diệu Hiền và Vũ Linh.

NSƯT Diệu Hiền có nhiều học trò nhưng đa số là nữ. Bà chỉ nhận một học trò nam là Vũ Linh. Nhắc lại thời trai trẻ đầy ngỗ nghịch của cậu học trò này: “Cậu bé tên Võ Văn Ngoan nhưng không ngoan chút nào. Tôi nhận Linh theo học nghề lúc còn ở gánh hát Kim Chưởng. Gánh hát dọn đến đâu đều bị mắng vốn do tật lý lắc, phá phách của Linh”.

Nghệ sĩ Diệu Hiền nói về Vũ Linh mà đôi mắt già nua của bà chợt sáng rực như nhớ lại cái thời hoàng kim. Cũng phải, vì thuở đó, đi đâu, diễn đâu, hai chị em cũng có nhau. Bà thương Vũ Linh hơn cả em ruột của bà. Dù ông có cộc tính, ương ngạnh cỡ nào nhưng đứng trước Diệu Hiền, ông phải xìu xuống ngay. Sao dám không nghe khi người chị lớn sẵn sàng cầm cây rượt đánh đến khi nào bỏ tật xấu mới thôi? Diệu Hiền nhớ lại một lần Vũ Linh đánh con của một quan lớn vì bị người này mắng “Lũ tụi bây là phường xướng ca vô loại”. Bà đã bắt Linh về quỳ gối trên vỏ sầu riêng và răn dạy cách cư xử ở đời đến tàn cây nhang mới cho đứng lên.

nghe-si-uu-tu-2-ngoisao 0

Khi Vũ Linh đang hát cải lương ngon lành. Bà chính là người bắt Linh đi học Hồ quảng với các vũ đạo đẹp nhưng khó. Vũ Linh khi đó giẫy nẩy la hét: “Tự nhiên người ta đang hát cải lương thì để người ta hát đi, bắt người ta học Hồ Quảng là sao?” Diệu Hiền cươi rồi nói với cậu em rằng: “Chị muốn em sau này cái gì cũng giỏi. Mà phải giỏi hơn chị nữa. Quăng em ở chỗ nào em cũng sống, cũng nổi tiếng với cái nghề này”. Tức tối là vậy, Vũ Linh vẫn nghe người chị của mình. Ông miệt mài đi học Hồ Quảng. Đến nay, cái công định hướng dạy dỗ của Diệu Hiền đã không phí phạm khi có một “Ông hoàng cải lương Hồ Quảng” như hôm nay.

Tình thương của Diệu Hiền dành cho cậu em Vũ Linh không chỉ có thể. Bà còn nâng đỡ cho Vũ Linh lên hàng kép giữa vô số nghệ sĩ trẻ trong đoàn mãi lẹt đẹt với vai lính tráng. Bà thương cậu học trò chỉ toàn đóng vai kép phụ nên định năn nỉ anh kép chánh giả bệnh để học trò mình có dịp đóng thế vai ghi dấu ấn với bà bầu. Bà kể: “Lúc lên sân khấu đóng vai kép lần đầu tiên, thằng Linh sáng lắm. Đáng lí tuồng đó, nó phải gọi tôi là sư muội. Lúc tập tuồng, hễ nó định cất tiếng kêu thì lại cười hì hì. Nó nói cho nó gọi sư tỉ đi vì gọi sư muội nó ngượng. Tôi nói mày tập cho đàng hoàng nghe, nói giỡn hồi tao đá mày bây giờ. Nó lại cười chọ tôi: “Má đặt sai tên chị rồi. Bà là Diệu dữ chứ Diệu Hiền nỗi gì. Rồi cái ngày thằng Linh được nghệ sĩ Minh Tơ - thân phụ của NSND Thanh Tòng - nhận vào đoàn, sau 3 tháng đã làm kép chánh, tôi khóc như mưa vì sung sướng. Tôi biết nó sẽ thành công và nổi tiếng cho coi”.

Với Vũ Linh, NSƯT Diệu Hiền không chỉ là người thầy dìu dắt anh trong nghề mà còn là người hết lòng vực anh dậy mỗi khi phạm lỗi lầm, sa cơ. Vũ Linh bắt đầu dấn thân vào nhậu nhẹt và cờ bạc, em gái ông phải gọi điện cho Diệu Hiền năn nỉ bà xuống lôi anh Năm của mình về. Lúc đó, Diệu Hiền đã yếu. Nghe tin bà lật đật bắt xe ôm lên tận nơi anh đánh bạc. Vũ Linh xúc động kể lại: “Tôi không hạnh phúc trong chuyện tình cảm nên chán nản, tìm quên trong trò đen đỏ. Chị biết, tìm đến tận nơi tôi đang sát phạt. Vừa nhìn thấy chị, tôi run quá, co chân chạy trốn. Chị nói lớn: “Mày có tin tao sẽ lao đầu xuống chung cư này nếu mày không đứng lại”. Tôi đứng lại, tưởng rằng sẽ nghe chị trút cơn giận. Nhưng không, chị ôm tôi vào lòng rồi khóc: “Công chúng cho mình ánh hào quang đâu phải để em sống như vầy? Chị lớn tuổi rồi, sống đây chết ma, chị đâu còn sức mà lo cho mày như ngày nào. Mày phải sống tốt mới mang cái nghề này truyền cho đời con đời cháu thay chị chứ”. Nghe đến đây, Vũ Linh khóc nức nở. Ông khóc khi thấy người chị gầy gò đến đi còn không nổi mà vẫn lo cho mình, níu mình lại trước vực thẳm cuộc đời. Hơn hết, ông cảm nhận được chị đã già thật rồi, cái sức cầm roi đánh mình như xưa cũng không còn.

Không lâu sau đó, mẹ của Vũ Linh qua đời, con gái bỏ nhà đi xa. Anh khủng hoảng tinh thần, muốn buông xuôi tất cả. Lúc này, người thầy vẫn luôn dõi theo từng bước chân của học trò đã nâng anh đứng dậy: “Chị tìm con gái tôi về, rồi cùng tôi lo hậu sự cho mẹ. Tôi còn nhớ lời chị: “Hãy biến nỗi đau mất mẹ để hát thật hay, vì mẹ đã đưa em đến với nghề”.

Giữa Vũ Linh và Diệu Hiền không chỉ là tình thầy trò, nghĩa chị em mà còn là sự gắn kết của những con người hào sảng. Họ thương yêu, che chở cho nhau lúc khổ, lúc buồn. Với Vũ Linh, dù anh có bao nhiều người thầy, Diệu Hiền vẫn là người thầy anh kính trọng nhất và cũng là người duy nhất dám cầm roi đánh anh. Vũ Linh nhớ lại, một lần đi lưu diễn xa, nửa đêm hỏa hoạn xảy ra trên ghe khiến Diệu Hiền bị phỏng 2/3 lưng. Nghe tin, Vũ Linh xin nghỉ hát 3 tháng để về Hậu Giang chăm sóc bà. Nghệ sĩ Diệu Hiền kể: “Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh Linh đút từng muỗng cháo cho tôi ăn mà nước mắt chảy dài. Nó là kép chánh mà. Nghỉ hát một ngày là đủ mệt cho cả đoàn rồi. Nó ngồi chăm sóc tôi mà biết bao nhiêu đoàn trưởng, bầu show đến năn nỉ nó về. Nó nghẹn ngào năn nỉ ngược lại: “Chị của Linh giờ bị như vậy. Lòng dạ nào mà Linh hát được. Các anh thương cho Linh, hiểu cho Linh đi. Đợi chị Linh khỏe lên một chút là Linh quay về hát cho mấy anh liền”. Người nghệ sĩ già vội lấy khăn chấm nước mắt khi vừa kết lời về người em của mình.

nghe-si-uu-tu-1-ngoisao 0

nghe-si-uu-tu-3-ngoisao 1

Lúc Vũ Linh gặp nạn được thầy tận tình giúp đỡ, hỗ trợ vượt khó, đến khi thầy gặp khó, học trò lại ra tay tương trợ. Họ giúp nhau ngoài tình nghĩa thầy trò còn là đồng nghiệp, những người chung “kiếp tằm phải nhả tơ”. Hiện tại, khi mọi sóng gió qua đi, Vũ Linh vẫn muốn trả nghĩa cho thầy. Anh đã âm thầm mua trả góp đất Nhà nước phân phối theo tiêu chuẩn cho những nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến đối với sân khấu cải lương để tặng NSƯT Diệu Hiền. “Tôi không xem việc mua đất tặng thầy là trả ơn mà chỉ là sự sẻ chia, tăng thêm niềm tin vào nghề. Thầy trò tôi đã đi lên từ đôi bàn tay trắng, phải sống sao cho xứng với tình thương khán giả” - NSƯT Vũ Linh chia sẻ. Riêng NSƯT Diệu Hiền, bà sung sướng với món quà của người học trò “ngỗ nghịch” ngày nào, bởi từ mảnh đất đó bà đã có một căn nhà khang trang lần đầu tiên đứng tên mình. Nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, mảnh đất đó nay cũng không còn theo những lần bà nhập viện chữa bệnh và các con cũng gặp chuyện không may. Cái tình thầy nghĩa trò vẫn thấm đượm mãi trong lời kể của những người đi sau.

Sân khấu cải lương không còn nhiều đất diễn như trước. Nhiều nghệ sĩ vì mưu sinh và đánh bóng tên tuổi phải chuyển sang hát nhạc trẻ rồi tham gia các chương trình truyền hình. Vũ Linh thì không. Mặc dù có rất nhiều lời mời làm giám khảo các chương trình lớn, ông vẫn từ chối. Ông muốn khoảng thời gian còn lại của mình được tập trung viết nhiều vở diễn hơn, tâm tư với nghề hơn và làm công việc cần mẫn của một người đưa đò. Như một cách chuộc lại những lỗi lầm trong cuộc đời mình, Vũ Linh lấy công việc từ thiện làm niềm vui. NSƯT Vũ Linh không thích phô trương công việc của mình. Anh làm công việc này một cách âm thầm và tự nguyện. Bất kỳ một nghệ sĩ nghèo nào gặp hoàn cảnh khó khăn anh đều giúp đỡ.

Anh nói trong niềm xúc động: “Trải qua bao nhiêu thăng trầm, có lúc tên tuổi bị lu mờ do nhiều hoàn cảnh. Tôi nghiệm ra rằng cuộc sống luôn ban cho mình nhiều cơ hội, con người cần làm việc có ích cho cộng đồng, đó là điều còn lại mãi với thời gian".

>> 'Ông hoàng cải lương Hồ Quảng' Vũ Linh: Từ ông hoàng đến con nghiện cờ bạc và kẻ si tình (P1)

Theo GĐVN

Let's block ads! (Why?)



new action movies 2016 - new horror movies 2016 - new sci fi movies 2016 - new comedy movies 2016 - new martial arts movies - new drama movies - new adventure movies - new romance movies 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét