Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp vừa có báo cáo cuối kỳ về điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trình Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, công ty này giới thiệu sáu phương án gồm một phương án xây dựng thêm đường băng số 3 (Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường băng); năm phương án mở rộng sân bay về phía nam - phía bắc và không xây đường băng số 3.
Phương án xây dựng thêm đường băng số 3
Để nâng công suất sân bay lên 60-70 triệu hành khách mỗi năm, đơn vị tư vấn Pháp đề xuất một phương án xây dựng đường băng thứ ba về phía bắc dài 2.600 m, nằm cách đường cất hạ cánh hiện nay 700 m và một nhà ga hành khách công suất 30-40 triệu người hoạt động tách biệt với các nhà ga đang có.
Việc xây dựng đường băng mới sẽ lấy toàn bộ đất quốc phòng, bao gồm sân golf hiện ở phía bắc; chi phí xây dựng khoảng 35.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng.
ADPi phân tích, mặc dù tăng công suất sân bay song việc xây dựng đường băng mới sẽ phải giải phóng mặt bằng rất nhiều nhà dân ở khu vực phía bắc, chưa kể ảnh hưởng tiếng ồn đối với cộng đồng dân cư xung quanh.
Trong cuộc họp của ADPi với lãnh đạo Bộ Giao thông vào chiều qua 27/2, một số chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đường băng mới là rất tốn kém, ngoài chi phí xây dựng nêu trên còn thêm chi phí giải phóng mặt bằng 45.000 tỷ đồng với hàng nghìn hộ dân.
Phương án xây dựng đường băng số 3 và nhà ga hành khách phía bắc sẽ lấy gần hết đất sân golf. |
Ngoài ra, phương án trên sẽ dẫn đến vấn đề phức tạp là máy bay phải đi vòng qua các đường lăn hiện tại, gây tăng chi phí cho hãng hàng không.
Đường băng số 3 với độ dài 2.600 m chỉ đảm bảo cho máy bay các loại cỡ trung như A320 hoạt động, với tần suất cất cánh khoảng 160.000 - 180.000 lượt mỗi năm. Do đó, theo phương án này thì chỉ nâng công suất chuyên chở của Tân Sơn Nhất thêm khoảng 20 triệu hành khách mỗi năm, trong khi xây dựng nhà hành khách mới công suất 40 triệu hành khách là chưa hợp lý.
Phương án xây thêm đường băng số 3 giống với nghiên cứu của Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - Bộ Quốc phòng) từng đề xuất.
Cụ thể, ADCC từng đưa ra 7 phương án chia thành 3 nhóm, trong đó có phương án xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T4 ở phía bắc, nhà ga T3 ở phía nam. Phương án này có tổng mức đầu tư thấp nhất là 100.000 tỷ đồng, cao nhất là 187.000 tỷ đồng; thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.
Phương án mở rộng sân bay về phía nam và phía bắc, không xây đường băng số 3
Đơn vị tư vấn Pháp đã dự báo lưu lượng hành khách tại Tân Sơn Nhất vào năm 2025 đạt 51 triệu hành khách, do đó, không cần thiết xây dựng đường băng số 3 mà chỉ xây dựng thêm nhà ga hành khách, đường lăn, nhà ga hàng hóa, khu bảo dưỡng máy bay...
Cụ thể, với khu bay, ADPi đề nghị dịch chuyển đường cất hạ cánh 07R/25L về phía Đông khoảng 180 m, rút ngắn chiều dài đường băng CHC 07R/25L từ 3.800 m xuống còn 3.656 m; xây mới đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh, nâng số lượng vị trí đỗ tàu bay để giải quyết ùn tắc.
Ngoài ra, ADPi đề xuất xây dựng thêm một nhà ga hành khách T3 về phía nam với công suất 20 triệu hành khách để liên thông với các nhà ga hiện nay.
Theo đơn vị tư vấn, nếu xây nhà ga hành khách phía bắc thì khu vực nhà ga bị chia cắt thành 2 bên của hệ thống đường cất hạ cánh làm tăng chi phí vận hành. Việc xây nhà ga hành khách ở phía nam sẽ giúp giảm diện tích đất cần phải thu hồi, vận hành tàu bay và hành khách đơn giản hơn; giảm khối lượng công việc thi công.
Phương án xây dựng nhà ga hành khách phía nam và các công trình phụ trợ phía bắc lấy một phần đất sân golf. |
Các công trình phụ trợ nhà ga hàng hóa, khu bảo dưỡng máy bay được tư vấn nước ngoài đề xuất đặt ở phía bắc đường cất hạ cánh, giúp kết nối nhanh chóng với hệ thống giao thông hiện tại.
Với phương án này, một số chuyên gia hàng không cho rằng việc xây dựng các công trình phụ trợ sẽ ảnh hưởng một phần đất sân golf nằm ở phía bắc.
Chi phí mở rộng sân bay theo phương án trên được ADPi tính toán là hơn 30.000 tỷ đồng, chưa bao gồm giải phóng mặt bằng.
Tư vấn ADPi khẳng định, dự báo thì đến năm 2025, sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 51 triệu hành khách mỗi năm. Sau thời điểm đó, sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ giảm tải hành khách của Tân Sơn Nhất.
Do đó, ADPi đã khuyến cáo lựa chọn phương án mở rộng sân bay về phía nam và phía bắc mà không xây thêm đường băng số 3 để đạt công suất 50 triệu hành khách mỗi năm.
Cụ thể, tại phía nam sẽ xây dựng nhà ga hành khách T3 và mở rộng sân đỗ máy bay trước nhà ga này trên phần đất do quân sự quản lý. Về phía bắc sẽ lấy phần đất quốc phòng để xây dựng nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa máy bay và các công trình dịch vụ kỹ thuật phụ trợ.
Các công trình xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất
Sân bay Tân Sơn Nhất rộng khoảng 800 ha, bao gồm hai đường băng nằm về phía bắc nhà ga hành khách và hai nhà ga hành khách T1, T2. Phía bắc là khu vực đất quốc phòng, sân golf do Bộ Quốc phòng quản lý rộng 157 ha; phía đông tây sân bay đều tiếp giáp khu dân cư.
Công suất sân bay Tân Sơn Nhất đạt 25 triệu hành khách, song mỗi năm đón khoảng 35 triệu người. Trước tình trạng quá tải, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông nghiên cứu phương án mở rộng sân bay này trong khi chưa xây dựng sân bay Long Thành.
Phương án được trình dự kiến bổ sung đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và xây dựng bổ sung nhà ga T4 mà không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, thời gian thực hiện quy hoạch nhanh (khoảng từ 2 đến 3 năm).
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất, tháng 10/2017, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía bắc (khu vực sân golf) và phía nam; nâng tổng công suất đạt khoảng 45 - 50 triệu hành khách/năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét