Vĩnh PhúcHọc sinh lớp 10A2 trường Võ Thị Sáu nhắn nhủ "bọn mình không trách Duyên" khi nữ sinh xin lỗi vì nhiễm virus corona khiến bạn bè phải cách ly 14 ngày.
Ngọc, học sinh lớp 10A2 nhớ lại buổi học sáng 31/1, ngày thứ hai đi học sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý tám ngày: "Giờ ra chơi, Duyên gục xuống bàn khóc suốt buổi, mắt sưng húp, ai hỏi gì cũng không nói". Bạn bè xúm quanh, hỏi gì Duyên cũng lắc đầu không nói, chỉ khóc.
Sang tiết học thứ ba, thầy cô giáo lên gặp rồi đưa Duyên rời trường. Bạn học biết Duyên người xã Sơn Lôi, nhưng không biết là em gái của nữ công nhân 23 tuổi trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi dịch nCoV bùng phát.
Tối 6/2, Duyên trở thành bệnh nhân thứ 12 nhiễm nCoV ở Việt Nam. 36 học sinh trong lớp 10A2 được đưa đi cách ly ở Trường quân sự tỉnh Vĩnh Phúc. 6 em tiếp xúc gần phải làm xét nghiệm.
Sáng 10/2, đang cấy lúa cùng mẹ, điện thoại của Ngọc đổ chuông, giọng bố đầu bên kia sốt sắng "Con về nhà đi, các chú ở xã đang tìm". Về nhà, Ngọc thấy bố đã xếp xong quần áo, cho vào balo và đứng đứng đợi ngoài cửa: "Lên xe bố đèo lên xã. Các chú đang chờ đưa con đi cách ly". Cô học trò 16 tuổi lần đầu xa bố mẹ, khóc dọc đường lên UBND xã Thanh Lãng.
Ngọc ngồi bàn phía sau Duyên, nằm trong danh sách học sinh tiếp xúc gần phải đi cách ly. Ảnh: Ngọc Thành. |
Ở thôn bên, Hòa còn đang ngủ nướng khi sáng thứ hai không phải đến trường chào cờ như những đầu tuần khác. Vĩnh Phúc đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học phòng nCoV. Tuy nhiên, cậu phải đi cách ly vì bạn học nhiễm virus. Tới UBND xã, thấy Ngọc, Oanh và 8 bạn học cùng lớp có mặt, Hòa nhủ thầm "thế là có đứa đi cách ly cùng mình".
Buổi chiều 10/2, học sinh lớp 10A2 từ nhiều xã trong huyện Bình Xuyên gặp lại nhau trong Trường quân sự tỉnh Vĩnh Phúc, bắt đầu cách ly tập trung.
36 thành viên 10A2 "chiếm" tám phòng tầng ba và rải rác các tầng khác trong tòa nhà. Sáu chiếc giường sắt mỗi phòng nhưng chỉ có ba người ở, danh sách người ở và nội quy cách ly dán ở trước cửa. Đêm đầu tiên, Hòa thao thức vì lạ giường, dù chiếc chăn quân nhu ấm không kém chăn ở nhà. "Không biết mai có phải dậy sớm gấp chăn như bộ đội không? Có bị các chú thu điện thoại không? Có phải xếp hàng điểm danh không?", Hòa tự hỏi rồi thiếp đi lúc 4h sáng.
7h sáng, học sinh bị đánh thức không phải bằng tiếng trống trường mà là tiếng loa thông báo xuống sân lấy đồ ăn sáng. Ngày hôm sau, các phòng cách ly được lắp đặt thêm bình nước nóng, tivi và wifi. Mỗi ngày hai lượt, nhân viên y tế đi kiểm tra thân nhiệt các em lúc 9h sáng và 3h chiều.
Những học sinh lần đầu xa nhà, học theo nếp sống quân đội, ngày quét dọn phòng vài lần rồi phân công nhau cuối ngày tự mang rác đi đổ. Không có mẹ, cũng không có máy giặt, Hòa phải tự giặt quần áo bằng tay. Nắng lên, học trò xuống ghế đá ngồi sưởi ấm. Nữ sinh mỗi người một góc, ngồi đọc truyện, chia nhau quả ổi, quả xoài bố mẹ gửi vào. Dù đi đổ rác, trực nhật hay xuống sân hóng gió, các em cũng phải đeo khẩu trang.
Nhắc đến bóng đá, Hòa thấy cuồng chân. Cậu giữ vị trí tiền đạo trong đội bóng của trường, từng đoạt giải ba giải bóng đá học sinh các trường phổ thông của huyện Bình Xuyên. Các thành viên đội bóng nhắn tin hẹn Hòa nhanh về đá với các anh lớp 12, "phục thù" trận thua sau kỳ nghỉ Tết.
Bố Hòa, một thợ mộc có tiếng Thanh Lãng và mẹ, một công nhân ở Khu công nghiệp Bình Xuyên, đã tạm nghỉ việc, cách ly tại nhà. Mấy lần nhận điện thoại, Hòa nghe tiếng mẹ sụt sịt, hỏi con trai chuyện ăn uống, sức khỏe, thiếu gì để nhờ người gửi. Tuần trước, Hòa nhận được một hộp thuốc bổ kèm theo túi đồ ăn nhà gửi, dặn dò uống để tăng sức đề kháng. "Nếu dính bệnh thật thì do số, do cả sức đề kháng của mình kém thôi", Hòa trấn an mình.
Hòa khoe mỗi bữa ăn hết một hộp cơm đầy trong khi các bạn chỉ ăn hết nửa. Suất cơm bộ đội và miếng dưa hấu tráng miệng không làm thỏa mãn dạ dày, Hòa phải chống đói thêm bằng mì tôm, xúc xích, bim bim của nhà tiếp tế và đôi khi xin của bạn bè. Cậu trai hồn nhiên kể "Được cái em hay ăn khỏe nên cũng bớt lo, không kén ăn như các bạn nữ".
10A2 động viên, thông báo tin tức cho nhau qua nhóm chat chung. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cả lớp giữ liên lạc qua nhóm chat "gia đình 10A2". "Chào buổi sáng các tiểu yêu, sao im thế, có nhớ gì cô đâu", cô giáo chủ nhiệm được học trò gọi là "mẹ Ngọc" mỗi ngày đều đặn nhắn tin gọi đám học trò dậy, tối dặn đi ngủ sớm và đầu giờ chiều chuyển bài tập từ các thầy cô bộ môn.
"Vào trường quân đội con tăng mấy cân rồi cô ơi", học sinh nữ chụp ảnh bữa cơm gửi vào nhóm liền được động viên "Ăn đi cho tròn trịa về cho bố mẹ mừng" kèm theo mặt cười.
Chiều 20/2, Duyên ra viện sau hai tuần điều trị, kết quả xét nghiệm liên tiếp âm tính với nCoV. Bạn bè chíu chít nhắn tin báo cho nhau biết, mừng Duyên đã bình an và mong ngóng ngày mình được về.
"Mình xin lỗi cả lớp, tại mình mà mọi người bị ảnh hưởng", Duyên nhắn tin tự trách. Đáp lại là những dòng an ủi của bạn bè: "Cậu không được nói thế, bọn tớ không trách gì cậu cả. Không cần biết chuyện gì xảy ra, bọn mình vẫn chơi với nhau vui là được".
Hòa không biết các bạn khác nghĩ thế nào, trong đầu cậu chưa từng có một ý niệm trách cứ Duyên. Hòa ngồi cách Duyên ba dãy bàn, là lớp phó học tập và hay nói, còn Duyên trầm tính. Cả hai mới học cùng nhau một học kỳ, chưa bao giờ trò chuyện riêng, chỉ nói chuyện học hành qua nhóm chat chung của lớp.
Những học sinh lớp 10A2 đều coi nửa tháng cách ly là "chuyến picnic dài nhất trong đời" của cả lớp. Cùng ăn cơm, cùng ngủ, cùng hồi hộp mỗi lần kiểm tra sức khỏe khiến các em hiểu nhau hơn. Các bạn lớp khác đều muốn trở lại trường nhưng 10A2 thì "không nhớ trường lắm vì cả lớp ở đây rồi".
Hòa chuẩn bị đồ đạc ra về sau khi cách ly đủ thời gian quy định. Ảnh: Ngọc Thành. |
Trước bữa cơm trưa 25/2, học sinh nhận được thông báo sẽ được về nhà vào buổi chiều sau 14 ngày cách ly, sức khỏe ổn định. Các em đã trải qua ít nhất hai lần lấy mẫu kiểm tra cho kết quả âm tính. Lũ trẻ ùa đi dọn đồ, nôn nao đến mức chỉ muốn bỏ dở luôn bữa cơm. Hơn 14h, Hòa cùng các bạn đã ở trên xe để trở về Thanh Lãng. Các em được khuyến cáo tự cách ly thêm 7 ngày nữa để theo dõi.
Ngày đầu tiên ra khỏi trung tâm cách ly, dự định của Hòa là tổ chức sinh nhật tuổi 16 cho mình, cũng coi như là buổi họp mặt lớp sau kỳ nghỉ dài đằng đẵng. Ba ngày trước, cậu đã đón sinh nhật ở nơi cách ly với gần như đông đủ bạn bè 10A2 tham dự. Bọn trẻ ngồi uống với nhau lon nước ngọt, ăn với nhau gói bim bim rồi ai về phòng người nấy vì quy định không được tập trung đông người.
Những chuyến xe rời khỏi Trường quân sự tỉnh Vĩnh Phúc, một nữ sinh gửi lại bức thư nhờ chuyển cho cán bộ trong trung tâm cách ly. Trên tờ giấy A4 nắn nót nét chữ học trò: "Cháu và mọi người về đây ạ. 16 ngày qua ở đây, thật sự cảm ơn cô chú đã luôn đồng hành cùng mọi người trong suốt thời gian trọng tâm của dịch, luôn chăm sóc chúng cháu, dù biết đâu đấy trong người chúng cháu có thể đang mang loại virus chưa có thuốc giải. Cảm ơn tất cả cô chú, cảm ơn rất nhiều. Chúc cô chú mạnh khỏe. Cháu tin, Vĩnh Phúc sẽ chiến thắng dịch bệnh".
Hoàng Phương - Thanh Lam
*Tên học sinh trong bài đã được thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét