Tượng vua Lý Thái Tông sẽ được dựng bằng tiền đóng góp của cán bộ, công chức ngành toà án, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TANDTC cho biết như trên chiều 28/4. Theo ông, việc dựng tượng vua Lý Thái Tông làm nhân vật lịch sử tiêu biểu cho hoạt động xét xử của Việt Nam là để gửi gắm thông điệp, vị thế của dân tộc Việt Nam trong hoạt động xét xử.
"Việc đúc tượng không thể tuỳ tiện mà phải làm bài bản, có sự đóng góp của các nhà khoa học và người dân", ông Bình nói và khẳng định tôn trọng , kể cả quan điểm trái chiều.
Ông Bình cũng cho hay sẽ chỉ dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TANDTC, không dựng ở trụ sở các cơ quan khác trong ngành; đây là kế hoạch trong tương lai, chưa làm ngày trong đợt dịch Covid-19.
Trình bày ba phác thảo tượng vua Lý Thái Tông, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - Nguyên Cục phó Mỹ Thuật, nhiếp ảnh, Triển lãm (Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch) nói việc dựng tượng vua rất khó và áp lực lớn, vì không biết hình hài, khuôn dung của vua như thế nào.
Phác thảo các bức tượng được tạo hình dựa trên dữ liệu lịch sử và "chỉ mang tính tương đối, phác hoạ sao cho phù hợp nhất với lịch sử, văn hoá Việt Nam".
Trong ba phác thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tượng vua không nên cầm cân, vì "liên tưởng đến thần công lý, lai căng nước ngoài và không tương xứng với một vị vua ở Việt Nam".
Ông Quốc cho rằng bức tượng nên có hai điểm nhấn là cuốn luật Hình thư và chiếc chuông đồng. "Nếu không để như vậy thì vị vua nào cũng hao hao giống nhau", ông nói.
Vua Lý Thái Tông là vị hoàng thế thứ hai của triều đại Nhà Lý. Ông cai trị trong 26 năm (1028 - 1054), đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam.
Ngày 5/2, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thống nhất tôn vinh vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý trong hoạt động xét xử và tư pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét