Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Họa sĩ bối cảnh phim 'Biệt động Sài Gòn' qua đời

Họa sĩ Trịnh Thái - người thực hiện bối cảnh "Biệt động Sài Gòn" và nhiều phim cách mạng - mất lúc 4h35 phút ngày 29/7, thọ 79 tuổi.

Ông mất ở Hà Nội, được gia đình đưa về quê Hải Phòng lo hậu sự. Lễ viếng vào 14h ngày 30/7 tại nhà tang lễ Quân khu 3, 12 Bến Bính, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng. Thi hài ông sẽ được hỏa táng vào 14h ngày 31/7 tại Đài hóa thân hoàn vũ Ninh Hải.

Đạo diễn Long Vân của phim thảng thốt khi biết tin buồn. Dù tuổi cao, ông hỏi thông tin tang lễ để viếng. Ông nói: "Phim thành công nhờ đóng góp lớn của Trịnh Thái. Anh luôn làm việc tỉ mỉ, tạo ra những bối cảnh sinh động, chân thực".

Hoạ sĩ Trịnh Thái ở triển lãm tại TP HCM năm 2017. Ảnh: Diễm Mi.

Họa sĩ Trịnh Thái ở triển lãm tại TP HCM năm 2017. Ảnh: Diễm Mi.

Nghệ sĩ Trà Giang buồn vì "từng người bạn một thời cứ lần lượt ra đi". Bà cho biết: "Tôi học lớp diễn viên điện ảnh đầu tiên, anh Trịnh Thái học lớp họa sĩ thiết kế đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam, nay là Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, là bạn vong niên. Trong công việc, anh nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn. Ngoài đời, anh ấy vui vẻ, hồn nhiên".

Mỗi khi họa sĩ Trịnh Thái vào TP HCM mở triển lãm, Trà Giang và một số bạn bè đều đến ủng hộ ông. "Tranh anh Thái rất sinh động, có hồn, hiếm họa sĩ Hà Nội nào mở triển lãm ở TP HCM nhưng lần nào cũng đại thắng, bán hết tranh như anh ấy", nghệ sĩ Trà Giang nói. Chị từng làm việc với cố họa sĩ trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh...

Áp phích phim Trở về Sam Sao. Ảnh tư liệu do hoạ sĩ Tô Chiêm chụp lại.

Áp phích phim "Trở về Sam Sao". Ảnh tư liệu.

Trên trang cá nhân, họa sĩ Tô Chiêm đăng một số áp phích phim do họa sĩ Trịnh Thái vẽ như Bản đề án bị bỏ quên, Mẹ vắng nhà, Lưu lạc, Trở về Sam Sao... Tô Chiêm nói: "Anh Thái là người chỉnh chu, hết mình từ việc thiết kế bối cảnh phim đến vẽ tranh. Những năm 1980, 1990, tranh của ông khá đắt khách. Ông vẽ nhiều về phong cảnh Việt Nam và Hải Phòng quê hương ông. Nhờ khả năng quan sát tinh tường, các bức tranh của ông có sự cô đọng, tinh tế. Chủ yếu sử dụng tông màu ghi xám chủ đạo nên tranh ông toát lên vẻ u sầu rất riêng". Họa sĩ không lập gia đình. Tô Chiêm nói thêm về đàn anh: "Cả một đời cô đơn, ông dành mọi vui buồn cho hội họa".

Chân dung tự hoạ của hoạ sĩ Trịnh Thái. Nguồn: Hai Phong Art.

Chân dung tự họa của họa sĩ Trịnh Thái. Nguồn: Hai Phong Art.

Họa sĩ Trịnh Thái sinh năm 1941, tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội). Ông gắn bó với Xưởng phim truyện Việt Nam (sau này là Hãng Phim truyện Việt Nam), là người phụ trách bối cảnh hơn 40 phim .

Hà Thu

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét