Hà TĩnhTrường cấp hai Hương Phúc là nơi 33 học sinh tử nạn bởi bom Mỹ, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, nhưng rất ít người biết đến.
Theo tài liệu lịch sử, trường cấp hai Hương Phúc được thành lập ngày 1/9/1965 nằm dưới những hào sâu ở thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê. Trường gồm hai lớp 5 và một lớp 6, do thầy giáo Hồ Xuân Lâm làm Hiệu trưởng, dạy học sinh của ba xã Hương Phúc, Hương Lĩnh và Hương Trạch.
Thuộc miền Tây huyện Hương Khê, xã Hương Trạch có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam vắt qua. Năm 1965-1966, đây là điểm tập kết hàng hóa, dừng chân của các đơn vị bộ đội trước khi vào chi viện cho miền Nam chiến đấu, vì thế khu vực này luôn bị không quân Mỹ ném bom, đánh phá.
Khoảng 16h30 ngày 9/2/1966, một tốp máy bay F4 của không quân Mỹ ném 58 quả bom xuống vùng dân cư ở xã Hương Trạch. 6 quả bom rơi trúng trường cấp hai Hương Phúc, trong đó 2 quả rơi thẳng vào lớp 5A. 33 học sinh tử nạn, 24 em khác cùng thầy giáo Thái Văn Nhậm bị thương. Ngôi trường 2 gian bị phá hủy, lớp học trở thành hố sâu, sách vở, bàn ghế tan nát.
Một ngày sau, thi thể 33 nạn nhân được chôn cất tại làng Tân Phúc, xã Hương Trạch. Chính quyền địa phương khắc tên các em lên bia mộ, khoanh vùng khu đất này làm nơi tưởng niệm. Nhà trường để tang 33 học sinh 3 tháng, sau đó dựng lại trường mới cách nền đất của trường cũ vài chục mét, tiếp tục dạy học.
Do có giá trị lịch sử, năm 2001, Trường cấp hai Hương Phúc được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, chứng tích tội ác chiến tranh. Khuôn viên khu di tích rộng 4.050 m2, đặt ở thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch. Năm 1991 đến nay, nhà chức trách nhiều lần cải tạo, làm thêm các hạng mục như tường bào, nhà bia, trồng thêm cây cối, khoanh vùng xây kè xung quanh 3 hố bom. Hiện 24 phần mộ đã được quy tập, còn 9 phần mộ đang ở nơi khác chưa thể đưa về nên dựng mộ gió.
Được địa phương kỳ vọng là một địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, song Trường cấp hai Hương Phúc rất ít du khách biết đến. Hàng năm, vào ngày giỗ, Tết, thương binh liệt sĩ, chỉ bạn bè, người thân học sinh, lãnh đạo tỉnh, huyện đến dâng hương. Thỉnh thoảng một số đoàn khách thập phương đi trên quốc lộ 15A thấy biển báo di tích nên dừng lại ghé thăm, một năm khoảng 1.000 lượt.
Ít người qua lại, di tích trở nên nhếch nhác, cửa ra vào luôn đóng kín, phía trước lá khô phủ đầy. Bên trong cây xanh bao phủ, xung quanh khuôn viên cỏ mọc um tùm chưa được cắt tỉa, nhiều chỗ đất nền lát gạch bị lún xuống. Phần mộ của 33 học sinh ít được quét dọn, rêu bám, thỉnh thoảng nhiều bát hương trước mộ bị vỡ, thời gian lâu sau đó mới thay mới. Tại nhà bia, vòng hoa vứt chỏng chơ.
Ông Nguyễn Văn Tứ, 56 tuổi, trú huyện Hương Khê, nói: "Nhìn di tích hoang vắng, ít người qua lại, tôi rất buồn. Là chứng tích chiến tranh, đáng lẽ Trường cấp hai Hương Phúc phải được mọi người biết đến nhiều hơn. Nhìn sang một địa chỉ tương tự là ngã ba Đồng Lộc mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách, tôi thấy chạnh lòng. Mong chính quyền sớm đầu tư, phát triển điểm văn hóa tâm linh này".
Ông Cao Song Giang, Phó chủ tịch UBND xã Hương Trạch, thừa nhận việc Trường cấp hai Hương Phúc đang bị "lãng quên" do thông tin quảng bá về di tích còn quá ít. Kênh tiếp cận chủ yếu là bạn bè, người thân của 33 học sinh, hoặc một vài đoàn khách thập phương đi qua quốc lộ 15A giới thiệu. Bên cạnh đó, do cơ sở hạ tầng tại đây còn yếu, chưa trùng trùng tu nên ít du khách mặn mà ghé thăm.
"Địa phương ngân sách hạn hẹp, khi một hạng mục nào đó xuống cấp, hư hỏng thì chỉ có thể bỏ ra được một khoản nhỏ để tu sửa, còn đầu tư lớn thì không thể. Trước kia, xã thuê hai bảo vệ luân phiên trông coi khu di tích, song gần đây họ nghỉ chưa tìm được người thay thế khiến không gian trở nên lạnh lẽo", ông Giang nói.
Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hương Khê, ông Võ Văn Trình, huyện rất muốn cải tạo, nâng cấp Trường cấp hai Hương Phúc thành một di tích cấp quốc gia đặc biệt, gắn kết với các địa chỉ đỏ khác trên địa bàn thuộc trục đường 15A để phát triển văn hóa, du lịch. Vừa qua, huyện đã làm thư ngỏ gửi một số tập đoàn kêu gọi họ đầu tư, nhưng chưa nhận được phản hồi tích cực.
"Trong tương lai, chính quyền sẽ tôn tạo lại các phần mộ, nâng cấp nhà bia to hơn. Kế hoạch xây nhà chờ cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, làm ao sen trước khu đất đối diện khuôn viên, dựng lại một trường học nguyên bản tại đây cũng được tính đến, song phải chờ vốn", ông Trình cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét