Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Đề xuất kiểm soát khí thải hàng chục triệu xe máy

Xe môtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải, khí thải, theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Dự thảo Luật này quy định, cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm tra định kỳ khí thải xe môtô, xe gắn máy; lộ trình kiểm tra do Chính phủ quy định. 

Lý giải đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng thời gian qua khiến lượng phát thải tăng nhanh ở các đô thị lớn. Chính phủ đã có đề án kiểm soát khí thải phương tiện đang lưu hành, song Luật Giao thông Đường bộ hiện hành chưa quy định về nội dung này nên chưa thể thực thi.

"Việc đưa quy định nêu trên vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là cần thiết. Kiểm tra khí thải xe máy không chỉ nhằm kiểm soát chất lượng không khí mà còn cả chất lượng phương tiện", ông Thạch nói và cho rằng người dân ban đầu có thể chưa quen việc kiểm soát khí thải xe máy nên Chính phủ sẽ ban hành lộ trình thực thi cũng như chế tài xử lý phù hợp. 

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành (Hà Nội 5,7 triệu xe, TP HCM 8,1 triệu xe), chiếm 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.

Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cho biết, hiện nay việc kiểm soát khí thải chỉ áp dụng đối với các xe sản xuất và nhập khẩu mới. Trong khi nhiều người dân không quan tâm đến việc bảo dưỡng xe đang hoạt động, khiến phương tiện nhanh xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng không khí.  

Dòng phương tiện chen chúc trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Dòng phương tiện chen chúc trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Về giải pháp kiểm soát khí thải xe máy, ông Khanh cho rằng, ngoài trung tâm đăng kiểm, các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa xe có thể tham gia vào việc kiểm định khí thải xe máy theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát hoạt động của cơ sở kiểm định, cấp chứng nhận khí thải. 

"Thời gian kiểm tra mỗi xe máy chỉ 2-3 phút, nếu phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải thì chủ xe sẽ phải khắc phục, kiểm tra lại để được cấp giấy chứng nhận. Chu kỳ kiểm tra xe máy được một số nước đang áp dụng là một năm", ông Khanh nói và nhận định, không phải tất cả xe máy đều phải kiểm tra khí thải định kỳ ngay mà sẽ theo lộ trình. 

Xe mới sử dụng được vài năm chưa cần thiết kiểm tra, cơ quan chức năng có thể tập trung các loại xe cũ nát tuổi thọ trên 10 năm hoặc kiểm soát trước với xe máy 175cc trở lên vì số lượng ít. 

Ông Khanh cũng cho biết, theo kinh nghiệm của Đài Loan, người dân phải trả phí kiểm tra khí thải xe máy từ việc trích phí bảo vệ môi trường qua xăng dầu; còn ở Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân trả phí khi kiểm tra xe. 

Với góc nhìn chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, việc kiểm soát khí thải hàng chục triệu xe máy không phải đơn giản, số lượng trung tâm đăng kiểm xe không nhiều nên dễ bị "quá tải". 

"Trước mắt, cần kiểm tra khí thải các loại xe tuổi đời 15-20 năm ở các đô thị lớn để người dân làm quen", ông Bình gợi ý. Cùng với đó, cơ quan nhà nước cần quản lý chặt chất lượng kiểm định của các đơn vị được tham gia công việc này. 

Ông Bình cũng cho rằng, nhà chức trách nên tính đến vị trí dán tem khí thải trên xe máy để cảnh sát giao thông không phải dừng xe kiểm tra; phí kiểm tra quy định ở mức hợp lý, qua đó thu hút người dân tự nguyện mang xe đến trung tâm đăng kiểm

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên Môi trường, Năm 2011 - 2015, bệnh hô hấp ngày càng phổ biến, tỷ lệ mắc gia tăng. Các tác nhân gây bệnh đáng kể là khói bụi do khí thải từ các loại xe và bụi mịn trong không khí. Quá trình đốt nhiên liệu xăng, dầu diesel từ động cơ khi phương tiện giao thông vận hành sản sinh ra cacbon monoxit (CO), oxit nito (NOx), lưu huỳnh dioxit (SO2), hơi xăng dầu (Cn Hm, VOCs ), bụi PM10, bụi đường (TSP)... Xe máy chủ yếu phát thải các chất CO, VOC, TSP. Còn ôtô sinh ra SO2, NO2. 

Đoàn Loan

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét