Quan hệ thầy trò khăng khít giữa hai nhân vật vĩ đại trong lịch sử Man Utd - Sir Alex Ferguson và Wayne Rooney - xấu đi như thế nào?
Một buổi trưa thứ Sáu của tháng 12/2004, vài tháng sau khi Rooney gia nhập Man Utd, một cuộc họp báo diễn ra tại sân tập. Trước giờ bắt đầu, các phóng viên được nhắc là phải suy nghĩ cho thật cẩn thận nếu muốn hỏi về Wayne Rooney.
Theo The Athletic, có lẽ không một phóng viên nào hiện diện ở đó quên được cuộc họp báo có một không hai trong lịch sử bóng đá Anh. Cửa phòng họp nằm bên phải quầy lễ tân. Phía trước chỉ vỏn vẹn một cái bàn, một dãy ghế và một chiếc máy cà phê nhiều năm chưa hoạt động. Tấm rèm cửa như luôn được khép kín và camera truyền hình không được phép đặt ở đây. Đó là nơi mọi người từng chứng kiến những cơn giận gay gắt của Ferguson.
Nhưng vào buổi trưa thứ Sáu ấy, tất cả chứng kiến cơn thịnh nộ kinh thiên động địa, vượt xa dự liệu. Trước đó một tuần, camera đã bắt được khoảnh khắc Rooney dùng tay đẩy vào mặt hậu vệ của Bolton Wanderers - Tal Ben Haim. Anh này ngã xuống rồi giả vờ đau đớn. Nhiều năm sau đó, Rooney gọi phản ứng của Ben Haim khi ấy là "rớt xuống như một cục phân".
Màn đóng kịch tài tình của hậu vệ người Israel cùng phản ứng của Rooney sau đó khiến cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Man Utd khi ấy nhận án cấm thi đấu ba trận. Ferguson đã lo sốt vó về việc này suốt một tuần. Và những gì người ta thấy khi ấy, khi cánh cửa đóng lại, là một vị HLV sẵn sàng bảo vệ học trò tới tận cùng.
Sau đây là nội dung cuốn băng được lưu lại ngày hôm ấy, nhưng đã được ẩn đi những ngôn từ thô tục nhất mà nhà cầm quân huyền thoại người Scotland thốt lên.
- Sir Alex, chúng tôi xin hỏi về Wayne Rooney, về việc anh ấy đã tát cầu thủ của Bolton.
- Vì đó là Wayne Rooney, và vì chúng tôi là Man Utd, nên các người chú tâm vào việc ấy, dễ hiểu thế thôi. Nhưng cái đáng nói nhất thì các người chả ai buồn nói cả, đó là những gì gã cầu thủ Bolton đã làm. Gã ngã sõng soài và giả vờ đau đớn trong những hai phút liền.
- Tôi nghĩ chúng ta đều đồng ý là những việc ấy....
- Đồng ý?
Đấy là lúc "máy sấy" bắt đầu mở chế độ bật tối đa.
- Các người *** viết về việc ấy! Các người chỉ chăm chăm vào Rooney chỉ vì thằng bé chạm nhẹ vào mặt gã và *** thèm để ý đến những thứ khác trong trận đấu nữa. Hãy thẳng thắn với nhau. Chính gã mới là người chịu án phạt từ FA chứ *** phải Rooney. Các người đã bỏ qua hoàn toàn sự thật là gã chết tiệt ấy đã ăn vạ. Các người chỉ toàn nhắm vào Rooney mà thôi, không ai màng đến cái thằng khốn Ben Haim đó. Sao cứ phải là Rooney?
Và các phòng viên biết nói gì trước cơn thịnh nộ như thần Zeus đang buông sấm sét ấy? Một người rụt rè phá vỡ không gian đang sợ nặng nề trong phòng:
- Nhưng thưa ngài Alex, cậu ta có lẽ là người nổi tiếng nhất...
- Cút hết! Người nổi tiếng thì cũng là một thằng bé, và thằng bé cũng chỉ là con người như bất kỳ ai. Nó mới 19 tuổi thôi. Chúa ơi, mấy người muốn cái *** gì? Muốn nó đổ máu à? Mấy người đóng đinh nó miết vậy. Nó chỉ 19 tuổi thôi đó!"
Một phóng viên ở hàng ghế đầu đã cố gắng hòa giải:
- Đâu có ai đóng đinh...
Nhưng nỗ lực ấy thất bại thê thảm. Ferguson không màng đến thiện ý của anh ta. Ông rướn người tới qua khỏi bàn, gần như rời khỏi chiếc ghế:
- Giỡn chơi hả? Thằng ôn vật Ben Haim ấy nên đứng trước FA giải trình vì làm những trò vớ vẩn. Thật ô nhục. Tôi *** muốn nói gì thêm về việc này nữa, các người thích nói gì thì nói đi. Cái thằng đó, một tên hề khốn nạn. Lăn lộn như thể đau đớn lắm. Nếu đó không phải là Rooney, thì có lẽ *** ai thèm quan tâm đâu.
Nói đến đó, Ferguson quơ tay, hất văng những chiếc máy thu âm trên bàn thẳng vào bức tường cách đó ba mét. Một chiếc của Diana Law, trưởng bộ phận truyền thông của Man Utd lúc bấy giờ. Chiếc máy vỡ tan, pin vương vãi khắp sàn nhà.
Đấy là một cú ra tay ngoạn mục, ngay cả khi ta xét theo "tiêu chuẩn" tức giận của Ferguson.
Truyền thông Anh không lạ gì với những cơn giận của Sir Alex. Nhưng trước đó, khi cơn giận đã dịu xuống, ông có thói quen chuyển từ trạng thái "sấy tóc" sang xoa dịu, vui đùa chỉ trong 30 giây. Gương mặt ông sẽ từ đỏ chuyển lại trạng thái bình thường, rồi lịch sự hỏi mọi người còn câu hỏi gì nữa không.
Nhưng buổi trưa thứ Sáu đó thì khác.
Ferguson như muốn truyền đi một thông điệp rõ ràng: nếu trong tương lai, nếu cứ hỏi về Rooney theo kiểu như thế, ông sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Và từ đó, các nhà báo truyền nhau một thuật ngữ là "luật Rooney", tức là hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hỏi những điều mà Ferguson không thích. Và ai hỏi liên tục như thế sẽ bị đuổi ra khỏi phòng họp. Ông biết những bài báo về Rooney luôn ăn khách, và điều đó làm ông khó chịu.
Vụ việc với Ben Haim chỉ là bê bối đầu tiên của Rooney trong màu áo Man Utd mà Sir Alex phải giang tay bảo vệ. "Hết rồi phải không?" chính là lời cuối của của Ferguson khi bước ra phía cửa. "Các người về được rồi. Họp báo kết thúc. Các người chọc điên tôi rồi. Giỏi lắm".
Nhớ lại cơn giận vô tiền khoáng hậu ấy của Ferguson, rõ ràng nhiều người sẽ cảm thấy buồn khi ông và học trò mà ông dốc lòng bảo vệ đã không còn giữ được tình nghĩa thầy trò như xưa. Người HLV thành công nhất lịch sử bóng đá Anh và chân sút vĩ đại nhất lịch sử Man Utd đã có một thập kỷ làm việc cùng nhau. Nhưng về cuối, quan hệ của hai người trở nên nguội lạnh.
"Họ vẫn tôn trọng nhau", một cựu thành viên Man Utd chia sẻ. "Luôn có sự tôn trọng. Nhưng họ cũng thất vọng về nhau rất nhiều."
Trong cuốn hồi ký của ông, Ferguson bên cạnh việc ca ngợi tài năng của Rooney đã dành cho anh vài lời phê bình. Trên cương vị là lãnh đạo lâu năm của một CLB hàng đầu, ông đã đảm bảo những lời nhận xét ấy không trở nên nặng nề và bị xem là công kích cá nhân.
Ngược lại, Rooney luôn nhắc tới Ferguson như người có công lớn trong việc định hình sự nghiệp của anh. Anh luôn tán dương Ferguson về khoảng thời gian Man Utd thống trị bóng đá xứ sương mù. Khi Ferguson phải vào viện để phẫu thuật não, Rooney đã để lại một lời nhắn trên Twitter cá nhân: "Chóng khỏe nhé Sếp".
Anh và Ferguson đều biết, dẫu mọi chuyện giữa đôi bên có tệ đến cỡ nào, thì họ vẫn là hai nửa đẹp đẽ của nhau. Hai nửa tuyệt vời thì đúng hơn.
"Tôi rất thích làm việc với Wayne", Rene Meulensteen, một trong những trợ lý của Ferguson, nói với The Athletic. "Một cầu thủ đầy khát khao. Cậu ta sẽ luôn gặp mặt tôi mỗi sáng trước giờ tập và hỏi: ‘Rene, sáng nay chúng ta làm gì đây?’ Một cầu thủ chăm chỉ cùng tình yêu bóng đá mãnh liệt".
"Hãy nhìn lại sự nghiệp sáng chói của cậu ta tại Man Utd, hãy nhìn những bàn thắng, những danh hiệu, những chiếc cúp và những cống hiến trên sân, bạn sẽ thấy sự nghiệp ấy thật lừng lẫy. Những bàn thắng của cậu ta sẽ còn mãi được lưu truyền qua hàng thập kỷ".
Ferguson nhớ lại chàng Rooney trẻ tuổi ngày đó sở hữu tài năng chơi bóng thiên bẩm, nhưng cũng cần nhiều thời gian để trưởng thành. "Thằng bé là một cầu thủ nghiêm túc và cống hiến, luôn luôn khao khát được ra sân", ông từng nói.
Ắt hẳn Sir Alex cũng thấy hình bóng bản thân trong Rooney.
Ông thích cách Rooney luôn ưu tiên chiến thắng hơn là chuyện tóc tai, quần áo hay ăn chơi. Ông thích sự trần trụi, bụi bặm nơi anh, điều đã giúp Rooney nhận biệt danh "Con Chó" tại Everton. Anh thậm chí dám bật lại Roy Keane khi bị đội trưởng Man Utd quát tháo. "Tôi chẳng sợ Keane", Rooney từng kể. "Tôi chẳng sợ ai cả." Và Ferguson cũng chẳng ngán ai bao giờ. Đã nhiều lần, trong suốt nhiều năm, ông coi Rooney như một đứa con trai đáng tự hào.
Ví dụ, trong buổi tối Rooney lập hattrick trong trận ra mắt gặp Fenerbahce, Ferguson để ý thấy học trò không được trọng tài Frank De Bleeckere tặng quả bóng làm kỷ niệm. Khi tìm hiểu và biết nguyên nhân là sự hiểu lầm, Ferguson đã rời phòng thay đồ để đi tìm vị trọng tài và chỉ vài phút sau, ông quay lại với một quả bóng trên tay.
Lòng thương yêu mà Ferguson dành cho Rooney còn được thể hiện qua kiểu cười ân cần mỗi khi ông kể chuyện về cậu học trò trên sân tập.
Một câu chuyện ông rất thích là về các HLV – Meulensteen, Tony Strudwick, Mick Phelan, Jim Ryan – thay phiên nhau cầm còi các trận đấu tập của Man Utd, và họ luôn ái ngại khi đưa ra các quyết định bất lợi cho đội của Rooney. Rooney nhỏ tuổi nhất, nhưng sẵn sàng bật lại họ, khiến họ luôn phải nhờ Ferguson, người có quyền hạn tối cao, bắt chính. "Không đời nào tôi chịu cảnh đó đâu", Ferguson tất nhiên từ chối. Man Utd thậm chí còn định mang về các trọng tài xịn để trị Rooney.
Cũng có lúc Ferguson và các trợ lý phải can ngăn để Rooney không tập quá sức. "Có những buổi sáng thứ Sáu, tôi bị mắng vì thằng nhóc không chịu vào nghỉ", Eric Steele, cựu HLV thủ môn, nói với The Athletic. "Nó cứ tập đá phạt với ghi bàn. Rồi cuối cùng, chúng tôi phải vào nghỉ và mặc kệ nó."
Nhưng cũng có lúc, chẳng ai có thể mặc kệ Rooney. "Tôi thừa nhận rằng mình hay mắng mỏ Wayne", Ferguson viết trong hồi ký. "Thằng bé sẽ nổi điên trong phòng thay đồ mỗi lần tôi chỉ trích đích danh nó. Hai mắt nó sẽ long lên sòng sọc như thể muốn ăn thua đủ với tôi. Sang ngày hôm sau nó sẽ xin lỗi. Khi cơn giận nguôi đi, nó biết tôi nói đúng, vì tôi luôn đúng, và điều đó chọc tức nó".
Những cầu thủ khác rất lấy làm nể cách Rooney chơi bóng theo cảm tính hơn chiến thuật. "Tôi thấy ngài ấy từng quở trách Rooney," Ritchie de Laet, cựu hậu vệ Man Utd, chia sẻ. "Chúng tôi đá trên sân nhà. Giờ nghỉ giữa hiệp, ngài ấy đến và bảo Rooney rằng: 'Cậu là một tiền đạo', tôi không thuật lại được mấy từ bậy mà ông ấy nói – ‘Cậu phải ở trên, lùi sâu quá để làm gì?’ Rooney đáp, ‘Nhưng tôi làm gì có bóng.’ Nếu không ai thuận theo kế hoạch, ngài ấy sẽ phát điên. ‘Tôi đã bảo cậu ở trên đó, thì cậu phải ở trên đó!’. Hiệp hai, Rooney ghi 2 bàn. Tôi có thể tưởng tượng ngài ấy bực mình như thế nào trong một trận cầu lớn".
Lịch sử sẽ luôn khắc tên Rooney, người đã phá kỷ lục ghi bàn qua mọi thời đại của Sir Bobby Charlton cho Man utd và đội tuyển Anh. Dưới thời Ferguson, tiền đạo có biệt danh "Shrek" này đã ghi 197 bàn sau 253 trận cho "Quỷ Đỏ" và có 64 bàn sau 120 lần khoác áo "Tam Sư".
Rooney cũng từng năm lần vô địch Ngoại hạng Anh với đội chủ sân Old Trafford. Để tưởng nhớ những vinh quang, anh treo các huy chương trên cổ con mannequin mặc áo Man Utd trong phòng triển lãm gia đình, tại căn biệt thự ở Cheshire.
Đội hình gồm những Rooney, Ronaldo và Tevez chính là bộ khung đáng mơ ước nhất mà Ferguson từng dẫn dắt. Họ chỉ không đủ may mắn khi phải đụng độ Barca của Pep Guardiola, một trong những đội bóng mạnh nhất lịch sử, trong khuôn khổ Champions League. Nhưng họ vẫn còn có đêm Moscow 2008, và ngay khoảnh khắc Edwin van der Sar cản phá thành công cú phạt đền của Nicolas Anelka, Alex Ferguson, ở tuổi 66, đã nhảy cẫng lên và vung chân một cách kỳ quặc dưới mưa. Có thể cách ông mừng chiến thắng không duyên dáng như vũ công Gene Kelly, nhưng nó đã thể hiện cảm xúc của Ferguson khi được sở hữu chiếc Cup bạc danh giá sau chín năm chờ đợi.
Tất cả điều đó khiến chúng ta không khỏi bất ngờ khi mối quan hệ Ferguson-Rooney dần đổ bể theo năm tháng. Chuyện gì đã xảy ra? Vì sao hai cá nhân đã cùng nhau gặt hái biết bao vinh quang nay lại mỗi người một lối?
Câu trả lời ngắn gọn là, trong bóng đá, đôi khi mọi chuyện sẽ như vậy, nhất là đối với một trong những HLV nóng nảy nhất. Roy Keane có thể kiểm chứng điều đó. Một vài người khác cũng vậy. Như Rooney từng nói: "Tôi không phải cầu thủ duy nhất bất hòa với Alex Ferguson."
Theo tiết lộ từ một người thân cận với Ferguson, chính ông đã nảy ra ý tưởng để cho David Moyes về dẫn dắt Quỷ Đỏ.
12/05/2013.
Trong trận đấu cuối cùng của Ferguson tại "Nhà hát" trước Swansea City, khi các cầu thủ xếp hàng tri ân HLV, chỉ có một cái bắt tay qua loa giữa HLV vĩ đại và Rooney. Một sự tương tác thoảng qua, họ thậm chí còn chẳng nhìn vào mắt nhau.
Ngày hôm đó là ngày trọng đại của Ferguson. Ông kết thúc 26 năm dẫn dắt Ngoại hạng Anh, với chiếc cúp Ngoại hạng Anh đang đợi sẵn trên sân.
Nhưng Rooney không có tên trong đội hình, và Ferguson chọn chính hôm đó để đi ngược lại những triết lý cầm quân của ông. Một người thường xuyên giữ kín vấn đề nội bộ nay khơi gợi chúng ra. Ông nói: "Tôi nghĩ Wayne không muốn đá, đơn giản vì cậu ta đã ngỏ ý ra đi." Và các đầu báo đã bẻ lái qua một hướng khác.
Có thật không? Có phải Rooney đã yêu cầu được từ bỏ đội bóng vừa mới giật lại ngôi vương từ Man City?
Rooney đã luôn kiên quyết rằng sự thật đã bị bóp méo, và anh có quyền cảm thấy bực bội vì cuộc trò chuyện riêng tư lại bị công khai như thế.
Ý của anh là anh không hài lòng với việc mất suất đá chính trong vài tuần qua và nói với Ferguson rằng, nếu Man Utd không còn coi anh là sự lựa chọn số một, thì ở lại cũng chẳng ích gì. Điều đó hoàn toàn khác với việc "yêu cầu chính thức rời đi" hay "nằng nặc đòi ra đi" như cách mà Ferguson tuyên bố trên truyền hình. Và quan hệ của họ vụn vỡ từ ấy.
Rõ ràng là Ferguson đã dần mất niềm tin vào Rooney. "Trong năm cuối cùng của tôi, cậu ấy đã ngồi dự bị vài lần, tôi cảm thấy cậu ấy gặp khó khăn trong việc theo kịp mọi người, và mất dần nhiệt huyết," Ferguson thừa nhận trong cuốn hồi ký. "Cậu ta vẫn có những đóng góp phi thường... nhưng thời gian qua đi, tôi nhận thấy cậu ấy phải vật lộn rất nhiều trong 90 phút, và đôi chân ấy đã mỏi".
Ai cũng biết mối quan hệ của họ tại Old Trafford đã sứt mẻ từ hồi tháng 10/2010. Rooney, khi ấy, không chỉ hoài nghi về tham vọng của Man Utd dưới thời Ferguson, mà còn thẳng thắn bày tỏ mong muốn khám phá những cơ hội nếu được đầu quân cho Man City.
Rooney sau đó thôi đòi chuyển nhượng và xin lỗi, từ công khai cho đến xin lỗi riêng các đồng đội. Nhưng đó là giai đoạn khó khăn của CLB, còn Ferguson, sau vô số lần ca ngợi học trò, cảm thấy đây là một màn thách thức.
Từ khi nào mà một cầu thủ dám thách thức Ferguson về chính sách chuyển nhượng của ông và buộc tội ông vì không đủ tham vọng?
Rooney không hài lòng khi Cristiano Ronaldo tới Real Madrid, không phục bản hợp đồng Chris Smalling và không chịu được cảnh Man City - đội bóng láng giềng được các tỷ phú Ả-rập mua lại cách đó, trở thành tương lai của bóng đá Anh. Khi ấy, anh đang trong thời gian gia hạn hợp đồng, và mới đây, khi lên sóng Soccerbox của Gary Neville trên Sky Sports, anh đã công khai thừa nhận mối nghi ngờ của bản thân với tầm nhìn của HLV vào năm 2010 đó.
"Tôi rất thất vọng khi Ronaldo rời đi. Tôi tới gặp Alex Ferguson và hỏi ông ấy ‘Chuyện gì vậy? Chúng ta đã bán Tevez và Ronaldo, ai sẽ thay thế họ?’, Không có ý chê bai gì, nhưng chúng tôi đã mua Smalling mà không rõ cậu ta có đủ tốt hay hay không. Nếu phải ở lại thêm năm năm, tôi sẽ không muốn phải ngồi ì suốt 5 năm ròng để đợi Alex Ferguson dựng lại một bộ khung xuất sắc".
Rooney, khi đó, thậm chí còn yêu cầu Ferguson giải thích việc Man Utd không đua với Real Madrid để giành Mesut Oezil từ Werder Bremen. "Câu trả lời của tôi là ‘không phải việc của cậu’", Ferguson viết trong hồi ký. "Tôi nói cậu ấy chỉ việc thi đấu thôi. Tôi sẽ chọn ra những con người phù hợp. Và tới giờ tôi chưa sai lần nào cả".
Rooney thậm chí còn "chơi dại" hơn và như ai cũng biết, Ferguson sẽ không để yên cho những cầu thủ mang tư tưởng muốn lật đổ ông.
"Đó là một tình huống mà hai phe đều muốn bảo vệ quan điểm của mình," Rene Meulensteen nói. "Chuyện đó thi thoảng vẫn diễn ra. Sir Alex đối diện và giải quyết nó, và vấn đề sẽ không nổi cộm lên bao giờ nữa. Bóng đá là bóng đá. Đôi lúc người ta sẽ có góc nhìn và quan điểm khác nhau".
Liệu vấn đề đó có còn nổi cộm lên nữa? Nhiều người tại Old Trafford tin rằng vụ việc năm 2013 là một trường hợp mà Ferguson giữ vai trò quyết định. Họ tin rằng Ferguson đã quyết định rằng Man Utd sẽ tốt đẹp hơn nếu không có Rooney, và đã chính ông đã đẩy nhanh quá trình đào thải "Shrek".
Eric Steele, HLV thủ môn trong ê-kíp của Sir Alex, trung thành với cả hai, và sẽ nói mãi về những đóng góp của Rooney tại Old Trafford. Cụ thể hơn là về những bàn thắng thần sầu của số 10: cú xe đạp chổng ngược vào lưới City, cú vô lê vào lưới Newcastle hay cú sút từ giữa sân vào lưới West Ham. "Wayne xứng đáng là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất ngày nay", Steele hết lời ca ngợi. "Kỷ lục ở cả cấp CLB và đội tuyển là minh chứng rõ nét nhất."
Tương tự, Steele cũng ca ngợi Ferguson về những quyết định hợp tình hợp lý. "Bạn không thể gây sự với HLV. Ngài Alex luôn trên cơ với những người chống lại ông ấy. ‘Sao lại bán Kanchelskis? Stam? Ronaldo?’ Dù gì thì cũng đừng lên tiếng thách thức ông ta", ông chia sẻ.
Cựu HLV thủ môn này nói thêm: "Mọi thứ là về Man Utd, là về đội bóng chứ không phải về bất kỳ cá nhân nào. Sẽ luôn có mấy lời này kia, nhưng suy cho cùng, khi người ta thách thức HLV, thì cũng là thách thức cả đội bóng. Sir Alex là bậc thầy trong việc nhìn nhận chiều dài sự nghiệp của một cầu thủ và có thể nhìn trước những năm tháng đóng góp của họ cho CLB".
Truyền thông cũng nhận thấy Ferguson không còn hồ hởi khi nói về cậu ta như trước đây nữa. Ai cũng biết sở thích hút thuốc, rượu chè, và nhất là tiệc tùng của Rooney. Ferguson cho rằng Rooney "cần phải cẩn thận" và những phẩm chất của cậu "sẽ bị sự sa đọa ăn mòn". Và có lẽ sự kiên nhẫn của Fergie dành cho cậu học trò đã dần cạn kiệt.
Rooney từng bị gạt ra khỏi đội hình trong trận gặp Blackburn hồi đêm giao thừa 2011, cùng Jonny Evans và Darron Gibson, sau khi xuất hiện tại buổi tập mà sặc mùi bia rượu vì cuộc nhậu Boxing Day ở Southport. Vụ việc đó không chỉ khiến Ferguson đặt dấu hỏi về sự chuyên nghiệp của Rooney. Một số đồng đội của anh còn tự hỏi tại sao anh ta có thể hành xử như vậy giữa lịch trình thi đấu dày đặc lúc cuối năm như thế.
Ở mùa giải cuối của Ferguson, các cầu thủ và nhân viên đã không ít lần thất vọng về cách cư xử của chàng tiền đạo này.
Việc Rooney đối diện với người sẽ thay thế anh là Robin van Persie nơi hàng công cũng là vấn đề. Rooney đã luôn ca ngợi cầu thủ người Hà Lan và bảo rất thích chơi bóng cùng anh ta. Nhưng có ít nhất một đồng đội thời bấy giờ tin rằng thành công của Van Persie đã khiến Rooney không thật sự hạnh phúc.
"Sự nổi lên của Robin có hại cho Wayne," cầu thủ giấu tên này nói với The Athletic. "Robin trở thành hạt nhân, thành tiền đạo mũi nhọn. Mối quan hệ của Wayne và HLV xuống cấp, càng tệ đi khi anh không còn được đá chính ở các trận cầu đinh. Chúng tôi đã sáng suốt. Chúng tôi có thể thấy họ đã nguội lạnh, nhưng sẽ có lúc bạn xa cách HLV của mình. Và ở Man Utd, chỉ khi vượt qua được điều đó, bạn mới có thể trở nên vĩ đại".
Rooney đã mất suất đá chính vào tay Danny Welbeck trong trận tứ kết Champions League gặp Real Madrid. Với một cầu thủ tham vọng như Rooney, đó chẳng khác nào một sự sỉ nhục công khai cả. Nhưng đó cũng là một phần của chiến dịch. Đã có lúc anh ta bị thay ra ở bốn trong năm trận. Trong số đó có cả trận gặp Aston Villa, nơi Van Persie đã lập cú hattrick ấn định danh hiệu vô địch thứ 13 cho Ferguson.
Rooney không để tâm lắm đến chuyện Ferguson giã từ trong trận đấu với West Brom ở ngày cuối mùa giải. Anh đang mải theo đuổi kỷ lục của Charlton khi chỉ còn cách 50 bàn, nhưng anh cũng sớm biết rằng Ferguson sẽ ngồi vào ghế cố vấn và tiếp tục đồng hành cùng đội bóng. Rooney sau đó gọi cho người đại diện Paul Stretford, và bảo ông tìm cho anh một CLB khác.
Nhưng Ed Woodward lại không muốn bán Rooney, ngay cả khi cầu thủ này và cả Ferguson đều cho rằng đó là phương án khả dĩ nhất.
Đó là mùa hè đầu tiên của Woodward sau khi tiếp quản ghế chủ tịch từ David Gill và ông đã làm rõ ngay từ đầu rằng Man Utd không thể liều lĩnh để Rooney gia nhập một kình địch và ghi 20 bàn mỗi mùa được. Chelsea, dưới trướng Mourinho, đã hai lần thương thảo nhưng bất thành.
"Tôi muốn mọi chuyện diễn ra ít nhất là vào tháng 9," Woodward nói sau khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa. "Wayne là không thể thay thế và rất tuyệt vời. Tôi mừng vì cậu ấy vẫn khoác trên mình màu áo đỏ."
Về phần Moyes, ông muốn biết có đang kế thừa một Rooney tài năng hay chỉ là một cái bóng mờ nhạt của bản thân.
Câu hỏi đầu tiên ông nói với Rooney khi hai người trò chuyện lần đầu vào mùa hè 2013 là "Cậu có nghĩ mình còn là một cầu thủ hàng đầu không?", nhằm làm học trò khó chịu.
Rooney đáp, phải, anh ta vẫn nghĩ mình xuất sắc.
"Vậy tại sao Chelsea chỉ chịu trả 25 triệu bảng cho cậu?" Moyes tò mò.
Moyes muốn xem phản ứng của Rooney, và đã được như ý. Rooney đã rất xuất sắc trong nửa đầu mùa nhưng dần hụt hơi. Tới lúc Louis van Gaal tiếp quản, thực tế cho thấy Woodward đã hào phóng thái quá khi đãi ngộ chàng tiền đạo bằng một bản hợp đồng 5 năm. Van Gaal nhiều năm sau tỏ ra gay gắt khi cho rằng Rooney đã "bước qua bên kia sườn dốc" từ lúc anh mới 28 tuổi.
Bây giờ, Rooney, ở tuổi 34, khoác trên người màu áo Derby County và đứng giữa bảng điểm giải hạng Nhất. Với việc ở lại CLB thêm bốn năm sau khi Ferguson từ chức, cùng những đóng góp tuyệt vời cho Man Utd, anh rất xứng đáng với những lời tán dương từ cả hai phía khán giả, Derby gặp "Quỷ Đỏ" trong khuôn khổ Cup FA hồi tháng Ba vừa qua.
"Sau cùng, bạn nhìn lại chặng đường của Wayne và nghĩ, ‘Vậy đó... chân sút vĩ đại nhất Man Utd và tuyển Anh", Steele nói. "Tôi nghĩ CĐV United vẫn sẽ nhiệt liệt đón chào và mãi nhớ về cậu ta. Vẫn có những lùm xùm ngoài sân cỏ, nhưng cái quan trọng chính là những đóng góp cho CLB và đội tuyển. Bạn không thể xô đổ kỷ lục của Sir Bobby Charlton nếu cứ thi đấu hời hợt được".
Một buổi tối hồi tháng 4/2010, khi ManUtd chạm trán Bayern ở Champions League, bị dẫn 2-1 ở trận lượt đi tại Bavaria, Rooney muốn thi đấu tới mức ra sân dù dính chấn thương dây chằng mắt cá.
Đội ngũ y tế chẩn đoán anh sẽ ngồi ngoài ba tuần, nhưng Ferguson vẫn muốn đánh liều. Rooney không được phép chạy theo đường thẳng. Anh đã bị thay ra sau 10 phút đầu hiệp 2 và bỏ lỡ trận cầu gặp Blackburn. Một điều không ai hay lúc bấy giờ chính là việc Rooney đồng ý ra sân, mặc cho anh đã phải dùng nạng để tới sân. Mãi tới khi vào phòng thay đồ, Rooney mới tháo nẹp bảo hộ. Kể từ đó, anh luôn mang băng mắt cá phải mỗi khi lâm trận.
"Với những cầu thủ tầm cỡ như Wayne Rooney, tôi không nghĩ khái niệm ‘xuống dốc’ là đúng," Meulensteen nói. "Sự nghiệp cậu ta đã đi qua nhiều giai đoạn. Cậu ta xuất phát từ một tài năng trẻ tại Everton, khiến cả Ngoại hạng Anh dậy sóng, chuyển tới Man Utd, và chinh phục mọi danh hiệu cùng đội bóng này".
"Cậu ta đã ghi rất nhiều bàn thắng tuyệt vời và cũng là một cầu thủ toàn diện. Bạn có thể yêu cầu cậu ta chơi ở bất cứ đâu – và chúng tôi đã làm thế. Sir Alex đã dùng cậu ta như một tiền đạo, số 10, cánh phải, cánh trái, thậm chí đôi lúc còn là tiền vệ. Wayne không quan trọng mình sẽ chơi ở đâu. Miễn là còn chơi bóng, cậu ấy sẽ luôn hạnh phúc".
Hoài Thương (theo The Athletic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét