Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Căng lưới cao 10 m ngăn voọc cắn người

Quảng TrịSở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dùng lưới cao 8-10 m ngăn chặn voọc ra đường cắn người, khi phương án chó nghiệp vụ không được đồng ý.

Sáng 30/9, bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay đã giao Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa khảo sát khu vực 700 m đường đàn voọc hay xuống để rào lưới cước.

Việc này nhằm ngăn voọc trong bụi rậm nhảy ra đường cắn người, làm chậm thời gian tấn công của voọc để người đi đường có thời gian phòng tránh. Mặt khác, voọc vướng lưới, lực lượng xua đuổi có thời gian uy hiếp, làm chúng hoảng sợ chạy vào rừng sâu.

Bên cạnh việc rào lưới, lực lượng tại địa phương sẽ xua đuổi quyết liệt hơn, không cho voọc tiếp cận mặt đường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị liên hệ với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), nhờ hỗ trợ phương án bắn thuốc mê. "Vườn có phương tiện nhưng đang chờ xin giấy phép rồi sẽ khảo sát để có phương án cụ thể", bà Phương nói.

Một con voọc chờ trên cây cao bốn mét ven đường rồi lao ra tấn công hai người đi xe máy, chiều 23/9. Ảnh: Hoàng Táo

Một con voọc chờ trên cây cao bốn mét ven đường rồi lao ra tấn công hai người đi xe máy, chiều 23/9. Ảnh: Hoàng Táo

Trước đó ngày 23/9, nhà chức trách Quảng Trị họp, đưa ra phương án dùng chó nghiệp vụ của Biên phòng Quảng Trị xua đuổi voọc. Tuy nhiên, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị cho hay Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng không đồng ý với phương án này. Nguyên nhân chó rọ mõm không thể sủa nên không có tác dụng xua đuổi, bị nguy hiểm nếu voọc tấn công, trong khi nếu tháo rọ mõm thì chó cắn xé làm chết voọc.

Từ tháng 7/2020 đến nay, tại đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), 3 con voọc Hà Tĩnh đã tấn công 9 người dân, trong đó có một phụ nữ mang thai tám tháng, ba người phải khâu bốn mũi ở chân. Ngày 20/9, một người phụ nữ ở Khe Sanh bị voọc tấn công khiến trầy xước chân.

Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Hoàng Táo

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét