Tin tưởng và giàu lòng yêu thương, nhiều nhà từ thiện ở Úc đã tích cực quyên góp tiền cho một trại trẻ mồ côi ở Nepal nhưng sự thật đằng sau khiến họ bàng hoàng không thể thốt lên lời.
Vào năm 2018, một vụ việc lừa đảo, ăn chặn tiền từ thiện đã gây rúng động dư luận nước Úc và Nepal vì phương thức quá tinh vi và tàn nhẫn.
Theo đó, một tổ chức phi chính phủ tên là Malai Na Birisu Bal Griha đã thuê những kẻ buôn bán trẻ em, thao túng các bậc cha mẹ không biết chữ ở những vùng quê nghèo khó tại Nepal để dụ dỗ và bắt cóc những đứa trẻ của họ đến sống trong trại trẻ mồ côi Kathmandu. Đây là trại trẻ được tài trợ hoàn toàn bởi sự đóng góp đến từ nước Úc, khi số tiền hỗ trợ lên đến 480.000 USD (hơn 11 tỷ đồng tính theo giá trị hiện tại) thì sự thật mới được phơi bày.
Một trong những nhà tài trợ cho trại trẻ mồ côi Kathmandu là ông Jason Wall, 52 tuổi, người đã quyên góp 60 USD (hơn 1,3 triệu đồng) mỗi tháng để bảo trợ cho một em bé tên Sangeeta tại đây. Khi biết thông tin về vụ lừa đảo trên, người đàn ông cho biết: "Tôi rất sốc và buồn. Tại sao lại có chuyện này xảy ra kia chứ?".
Nhiều trại trẻ mồ côi đã biến những đứa trẻ trở thành mặt hàng để trao đổi, buôn bán.
Ông Craig Manley và vợ Mel, người điều hành một cửa hàng McDonald ở Bundaberg, cũng là trong số những nhà từ thiện Úc của trại trẻ mồ côi Kathmandu. Họ cảm thấy "bị lừa dối và thất vọng tột độ" khi phát hiện ra sự thật.
"Vợ chồng tôi đã đến thăm trại trẻ mồ côi này mỗi năm, chuẩn bị rất nhiều quà từ kẹp tóc, đồ chơi cho đến những tấm thiệp chứa đựng tình cảm của những người quyên góp khác để đưa đến cho những đứa trẻ nơi đây với mục đích giúp các em cảm nhận được tình yêu thương", ông Manley nói.
Không chỉ lợi dụng những đứa trẻ nghèo khó còn đầy đủ cha mẹ mà trại trẻ mồ côi trên còn làm những chuyện phi đạo đức khác. Ông Manley cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra những món quà mà chúng tôi mang đến đây đều bị lấy hết đi. Chúng đem đi bán lấy tiền hoặc chia cho các gia đình của nhân viên trong trại trẻ mồ côi. Không phải tất cả số tiền chúng tôi quyên góp được đều đến tay bọn trẻ. Chúng đã ăn chặn tất cả".
Vợ chồng ông Craig Manley và bà Mel.
Thậm chí, trại trẻ Kathmandu còn từ chối trả lại những chiếc TV và bàn bóng bàn mà ông Manley tặng cho những đứa trẻ nơi đây, đang được trại trẻ mồ côi dùng làm tài sản riêng của họ. "Chúng tôi đã nghe nhiều tin đồn không hay về trại trẻ này. Sau đó, chúng tôi được biết rằng, bọn trẻ nơi đây đã chịu đựng sự đe dọa nếu chúng nói sự thật cho các nhà hảo tâm biết thì các em sẽ bị trừng phạt, hoặc không bao giờ được gặp bố mẹ hay sẽ bị đuổi ra ngoài đường", ông Manley nói thêm.
Theo lẽ tự nhiên, các trại trẻ mồ côi xuất hiện là để bảo vệ và nuôi dưỡng những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương và gánh chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, đáng buồn thay, khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế luôn xa nhau. Giờ đây, nhiều trại trẻ mồ côi được điều hành như một doanh nghiệp và trẻ em lại là những "món hàng" bị đem ra đổi chác và lạm dụng.
Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận buôn bán trẻ mồ côi là một hình thức nô lệ thời hiện đại trong tháng 12/2018. Thống kê cho thấy 80% trẻ mồ côi có cha mẹ còn sống và các trại trẻ mồ côi châu Á đang buôn bán để đáp ứng nhu cầu tình nguyện. Báo cáo về Tình trạng Trẻ em năm 2017 cho thấy có 567 nhà giữ trẻ được đăng ký ở Nepal, tổ ấm của 16.536 trẻ em, nhưng không thể thống kê số lượng nhà giữ trẻ không đăng ký. Đó là nơi những đứa trẻ cơ nhỡ phải chịu nhiều sự khổ cực như trại trẻ mồ côi Malai Na Birisu Bal Griha.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Xem link gốcẨn link gốc https://ift.tt/3cF4hnn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét