Trên chuyến bay từ Việt Nam đến Đức gần chục năm trước, máy bay do ông Đỗ Bá Hùng điều khiển đang trên vùng trời Myanmar thì bị hở buồng kín, mất áp suất.
Nếu máy bay không nhanh chóng hạ độ cao, hành khách sẽ bị thiếu oxy dù đã đeo mặt nạ. Chỉ trong vài giây, cơ trưởng Hùng quyết định cho máy bay hạ độ cao, sau đó xả hơn 70 tấn dầu để quay lại hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Nội Bài.
"Máy bay hở buồng kín thường do bị nứt cửa hay cửa bị bung, van xả khí từ máy bay ra ngoài bị kẹt. Khi đó, phi công phải bình tĩnh xử lý. Máy bay quay đầu nên phải xả bớt dầu mới được hạ cánh đề phòng cháy nổ", ông Hùng nhớ lại một trong những lần xử lý sự cố.
Năm nay 65 tuổi, cơ trưởng Đỗ Bá Hùng chia tay với các chuyến bay thương mại vào giữa tháng 5, sau 47 năm cầm lái. Ông là một trong những phi công đầu tiên của Vietnam Airlines, đã trải qua trên 28.600 giờ bay, trong đó hơn 18.300 giờ lái chính trong suốt sự nghiệp.
Năm 1972, 17 tuổi, Đỗ Bá Hùng nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, Hùng học tại Trường kỹ thuật phòng không không quân, sau đó công tác tại Đoàn bay 919 thuộc Quân chủng phòng không không quân.
Đầu những năm 1990, Đỗ Bá Hùng là lứa phi công Việt Nam đầu tiên được cử sang Thụy Sỹ học lái máy bay Boeing 737, sau đó tiếp tục sang Seattle (Mỹ) học lái dòng máy bay Boeing 767, 777. Năm 2015, khi Vietnam Airlines mua máy bay hiện đại Boeing 787, ông Hùng trong nhóm phi công đầu tiên được tiếp cận.
"Khi đóng cửa máy bay, phi công là người làm chủ và chịu trách nhiệm bảo đảm mạng sống của hàng trăm hành khách. Vì vậy, phi công phải bản lĩnh, quyết đoán khi xử lý tình huống bất thường", ông Hùng tâm niệm về nghề nghiệp.
Hàng chục năm qua, cơ trưởng Đỗ Bá Hùng gặp không ít sự cố kỹ thuật trên máy bay. Trước đây, các dòng máy bay không hiện đại, không có thiết bị thông báo lỗi kỹ thuật trong buồng lái nên việc xử lý chủ yếu dựa vào trình độ và kinh nghiệm của phi công.
Năm 2006, trong chuyến bay từ TP HCM đến Melbourne (Australia), khi mới cất cánh bay đến Côn Đảo thì buồng lái có khói và mùi khét song hệ thống tín hiệu trên máy bay không thông báo. Cháy trong buồng lái là rất nguy hiểm vì có thể gây ngạt cho phi công, cơ trưởng Hùng quyết định xả dầu để quay lại sân bay Tân Sơn Nhất hạ cánh khẩn cấp.
Ông liên lạc sân bay xin xe cứu hỏa, xe cứu thương để sẵn sàng cho tình huống xấu, song may mắn chuyến bay hạ cánh an toàn. Sau đó, thợ máy phát hiện khóa cửa buồng lái bị chập điện, thiết bị này không nằm trong hệ thống báo cháy.
Năm 2011, cơ trưởng Đỗ Bá Hùng tham gia các chuyến bay giải cứu lao động Việt Nam ở Lybia. Lúc đó, Vietnam Airlines đã tổ chức 9 chuyến bay đưa gần 3.000 lao động về nước.
Ông Hùng nhớ lại, chuyến bay năm đó vào vùng tiếp cận sân bay gần Lybia, chỉ huy không lưu yêu cầu phi công hạ cánh phía đất liền, song e ngại khả năng bị tên lửa bắn nên ông xin bay từ biển Địa Trung Hải vào sân bay.
Đây là một quyết định "cân não", vì vào từ phía biển thì phải bay xuôi gió, trong khi thông thường máy bay hạ cánh ngược gió. Chuyến bay nay cơ trường Hùng đã hạ cánh an toàn trong khu vực chiến sự để đón hàng trăm lao động Việt Nam đang mắc kẹt.
"Tôi xúc động khi thấy đồng bào từ nhiều nơi ở Lybia đến sân bay trong tình trạng mệt mỏi. Mỗi người chỉ xách một túi nylon đựng đồ cá nhân. Ai cũng chờ đợi, mong mỏi được về nước", ông Hùng kể và cho hay khi cất cánh bay vào vùng chiến sự, ông không khỏi cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, khi ngồi vào buồng lái, "cảm giác lo lắng mất đi và phi công chỉ toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ".
Nhiều năm qua, ông Đỗ Bá Hùng được giao kiêm nhiệm Trưởng phòng an toàn, Phó ban đào tạo của Đoàn bay 919 và đã đào tạo nhiều lứa phi công kế tục mình.
Theo Đoàn trưởng Đoàn bay 919 Tô Ngọc Giang, cơ trưởng Đỗ Bá Hùng với kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp, luôn xử lý các tình huống đúng quy trình, không có sai sót, "là tấm gương cho nhiều thế hệ phi công Việt Nam".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét