Bên cạnh nỗ lực tự thân, Quang Hải còn may mắn được chơi trong tập thể Hà Nội FC và nhờ đó lấy lại vị thế ngôi sao - điều mà Bùi Tiến Dũng không có ở TP HCM.
Ở Thường Châu 2018, U23 Việt Nam có hai ngôi sao được xem là nhân tố quan trọng của kỳ tích Á quân châu Á: Nguyễn Quang Hải và thủ môn Bùi Tiến Dũng. Ba năm trôi qua, ở tuổi 23, độ tuổi trưởng thành của một cầu thủ bóng đá, cả hai cho thấy những hình ảnh trái ngược. Bùi Tiến Dũng vẫn lạc lối trên con đường tìm lại bản thân. Trong khi đó, Quang Hải vừa vượt qua một khúc quanh quan trọng của sự nghiệp để mở ra một lộ trình có thể đưa anh trở thành một trong những ngôi sao lớn nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Cú vô-lê ấn định tỷ số 2-1 trước Viettel trong trận chung kết Cup Quốc gia hôm 20/9 mới là pha làm bàn thứ hai của Quang Hải trong năm 2020, sau bàn thắng vào lưới Cần Thơ ở tứ kết. Con số đó nói lên đầy đủ giai đoạn khó khăn với một ngôi sao tấn công.
Suốt chín tháng qua, Quang Hải nếm trải những điều tồi tệ nhất của một cầu thủ trẻ: Chữa trị chấn thương mắc từ SEA Games 30, vướng vào scandal cá nhân có thể làm chôn vùi danh tiếng và ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân, chỉ về nhì ở giải Quả Bóng Vàng Việt Nam, còn CLB Hà Nội khởi đầu không tốt ở V-League. Nếu đáp lại những nghịch cảnh đó bằng sự kiêu ngạo của một ngôi sao đang lên như vẫn thường thấy, có thể sự nghiệp của Quang Hải sẽ rẽ sang một hướng khác.
Nhưng điều may mắn là Quang Hải chơi trong tập thể Hà Nội, một đội bóng quá giàu thành tích để không bị tổn thương vì sự cố của một ngôi sao. Trong tập thể ấy, có những cầu thủ còn quan trọng hơn cả Quang Hải về khía cạnh chiến thuật, và vì thế, Quang Hải đã được đội bóng bảo vệ, được giải tỏa áp lực bằng nhiều cách. Một chút may mắn với quãng nghỉ bất khả kháng vì dịch Covid-19 đủ để Quang Hải dẹp bỏ những rắc rối và trở lại gần như hoàn hảo, như HLV Chu Đình Nghiêm nhận xét: "Chỉ cần Hải chơi tốt, mọi thứ rồi sẽ ổn".
Như một sự trùng hợp, trên hành trình tỏa sáng trở lại của Quang Hải, có hình ảnh lạc lõng của Bùi Tiến Dũng. Bàn mở tỷ số của Văn Quyết trong trận bán kết Cup Quốc gia đến từ một pha đá phạt được dàn xếp, do Quang Hải thực hiện, cộng với sự bị động về phán đoán của Bùi Tiến Dũng bên phía CLB TP HCM. Có thể khen sự tinh tế của Quang Hải, nhưng cũng có thể trách phản xạ kém của người đồng đội cũ ở đội U23 ngày nào.
Bùi Tiến Dũng từng được Hà Nội "giang tay" sau thời gian lận đận ở Thanh Hóa. Gia nhập đội bóng như Hà Nội giống một cơ hội để Tiến Dũng giữ danh tiếng của "người hùng Thường Châu". Nhưng sau mùa giải 2019 chỉ năm lần bắt chính, vì thủ môn số một Nguyễn Văn Công vẫn chơi ổn định, Bùi Tiến Dũng muốn được vào sân nhiều hơn, và lựa chọn bến đỗ mới CLB TP HCM. Vấn đề là ở đội bóng mới, thủ môn số một Thanh Thắng cũng là trụ cột. Quan trọng hơn, chính Thanh Thắng đã đẩy Bùi Tiến Dũng lên ghế dự bị ở CLB cũ Thanh Hóa ngay cả khi đàn em vụt sáng tại Thường Châu. Nên khi cả hai cùng khoác áo TP HCM, mọi việc cũng chẳng thay đổi.
Các HLV chỉ thay thế thủ môn số một khi bất khả kháng, chủ yếu là do chấn thương. Bản thân Bùi Tiến Dũng cũng biết rõ điều này. Năm 2019, dù không ra sân thường xuyên ở CLB, Bùi Tiến Dũng vẫn được HLV Park Hang-seo tin dùng trong màu áo U23. Kể cả khi mắc sai lầm ở SEA Games 30, anh vẫn được giữ vị trí tại vòng chung kết U23 châu Á hồi đầu năm nay. Là một người được hưởng lợi từ nguyên tắc này, Bùi Tiến Dũng ắt hiểu rõ khả năng phải ngồi dự bị dài dài nếu đến với một đội bóng đã có người số một chơi ổn định. Lẽ ra Tiến Dũng nên ở lại Hà Nội, thay vì vội vã ra đi. Bởi Tiến Dũng vừa đi, Hà Nội khủng khoảng thủ môn do Văn Công chấn thương, và phải mượn Bùi Tấn Trường từ Bình Dương.
Sự trái ngược về hoàn cảnh của Quang Hải và Tiến Dũng không chỉ là câu chuyện cá nhân. Phần nào đó, nó còn phản ánh nguyên nhân Hà Nội thống trị bóng đá Việt Nam thời gian rất dài mà không đối thủ nào đủ sức lật đổ. Một đội bóng có đủ tính kỹ luật, có năng lực mạnh mẽ để bảo vệ cầu thủ nhà, có bề dày thành tích bao trùm trên mọi cá nhân, thì bất kỳ cầu thủ nào cũng muốn được đến đó chơi bóng để có cơ hội tỏa sáng sự nghiệp. Chỉ riêng điều đó cũng tạo ra tính ổn định và bồi đắp các phẩm chất chiến thắng cho đội bóng theo thời gian.
Ngược lại, hồi đầu mùa, CLB TP HCM chiêu mộ Bùi Tiến Dũng vì lý do gì? Mùa trước, họ thủng lưới 29 bàn, tốt thứ nhì giải - chỉ sau SLNA. Vấn đề của TP HCM là năng lực hàng công không tốt, khi chỉ ghi 41 bàn qua 26 trận, kém xa 60 bàn của Hà Nội. Họ có lý do để đưa Công Phượng về nước, vừa có người ghi bàn, vừa có giá trị thương mại của ngôi sao. Nhưng bản hợp đồng với Bùi Tiến Dũng có lẽ nghiêng hẳn về các vấn đề bên ngoài sân bóng. Hình ảnh đời sống cá nhân của Bùi Tiến Dũng được công khai thoải mái, cứ như thể đó là "nhiệm vụ chính" mà đội bóng muốn ở Dũng. Điều này khác hẳn với việc các cầu thủ Hà Nội phải chấp nhận sự kiểm soát về hình ảnh từ đơn vị chủ quản. Đổi lại, họ sẽ được bảo vệ, yên tâm chơi bóng, tất nhiên là không hề kém thu nhập so với các đồng nghiệp khác đang bận bịu "làm truyền thông" ở những đội bóng khác. Nói cho cùng, để trở thành một cầu thủ lớn tại Việt Nam, điều quan trọng nhất là chọn đội bóng tốt để khoác áo chứ không phải chọn một nhà đại diện giỏi thương lượng.
Vì vậy, sự trở lại của Quang Hải là theo cách của một chiến binh, trong một binh đoàn chiến thắng. Nó làm thay đổi tương quan của V-League trong phần còn lại của mùa giải. Đội đầu bảng Sài Gòn FC có ưu thế về điểm số và lối chơi tập thể, nhưng lại không có một ngôi sao thực thụ nào trong đội hình để có thể giải quyết những tình huống khó khăn khi cần, nhất là khi vào giai đoạn hai với nhiều trận cầu sáu điểm. Các đội bóng khác, như Viettel hay TP HCM, có thể không thiếu ngôi sao, nhưng so với tập thể toàn chiến binh như Hà Nội, rất khó để họ so đọ về bản lĩnh.
Chỉ cần lấy hình ảnh của một Hà Nội có Quang Hải và một TP HCM có Tiến Dũng, sẽ hình dung được những gì sắp diễn ra.
Song Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét