Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Bộ sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài

"Dế Mèn phiêu lưu ký" phiên bản viết tay, truyện tranh chuyển thể... và nhiều tác phẩm ra mắt dịp 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài.

Trong 21 ấn phẩm ra mắt, Dế Mèn phiêu lưu ký bản đặc biệt được thiết kế, in ấn công phu, số lượng hạn chế 500 cuốn. Phiên bản song ngữ - với phần minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân - cũng được giới thiệu. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là người đầu tiên vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký năm 1959 khi ông đang học họa sĩ - đạo diễn phim hoạt hình tại Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (cũ). Ông tiếp tục vẽ minh họa tác phẩm năm 1972 và năm 1989.

Bộ Dế Mèn phiêu lưu ký do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Bộ "Dế Mèn phiêu lưu ký" do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Sách in song ngữ Việt - Anh, Đặng Thế Bính dịch, được đánh giá là bản dịch Dế Mèn phiêu lưu ký thành công nhất từ trước tới nay. Nhiều bản dịch ở các ngôn ngữ khác đã dựa vào bản dịch tiếng Anh này. Dế Mèn phiêu lưu ký bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ, cũng mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về thế giới trong truyện. Một ấn phẩm khác của Dế Mèn - do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa - lần đầu ra mắt công chúng.

Truyện tranh hiện đại chuyển thể từ bản gốc có tên Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu, do họa sĩ trẻ Linh Rab thực hiện. Độc giả cũng được tiếp cận với hai ấn bản từng ra mắt tại Thụy Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa.

Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi của Tô Hoài gồm bốn cuốn: truyện đồng thoại - kịch; truyện sinh hoạt; truyện các gương anh hùng cách mạng; chuyện ngày xưa - Một trăm cổ tích. Bộ ấn phẩm này là tuyển tập đầy đủ nhất các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài. Vài tác phẩm chỉ xuất hiện trên tờ Truyền bá từ những năm 1941-1942. Truyện đồng thoại Tô Hoài - do họa sĩ Vũ Xuân Hoàn minh họa - và ấn bản tiếng Anh A Mouse Wedding cũng lần đầu ra mắt độc giả.

Chuyện cũ Hà Nội (gồm hai phần) được tái bản hình thức mới. Với sự gắn bó, am hiểu về Hà Nội, Tô Hoài vẽ nên "cái thần thái cả một thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp trở thành nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê". Một ấn phẩm khác là Tự truyện của cố nhà văn - tập hồi ký gắn với bao nỗi vui buồn và ước mơ của tuổi thơ, bao kỉ niệm về những người bạn văn, đời văn của ông.

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tọa đàm Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi sáng 25/9 tại Hà Nội. Độc giả sẽ chiêm ngưỡng 20 bức chân dung nhà văn Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp.

Tác phẩm Tự truyện của Tô Hoài.

Tác phẩm "Tự truyện" của Tô Hoài. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014) tên thật là Nguyễn Sen, sinh ra trong một gia đình thợ thủ công. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tô Hoài nổi tiếng với sự nghiệp văn chương đồ sộ. Ông được nhiều nhà phê bình đánh giá là có năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc phong phú, lối văn giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, độc đáo về từ ngữ, về phương ngữ...

Tô Hoài được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, ông được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tô Hoài vẽ nên một thế giới côn trùng sinh động với các loài Dế, Xén tóc, Cóc, Châu chấu, Kiến... Nhân vật chính của tác phẩm là chàng Dế mèn can đảm, tốt bụng, trượng nghĩa nhưng cũng có lúc kiêu căng, ngạo mạn, gây nhiều hậu quả. Tô Hoài viết tác phẩm từ năm 17, 18 tuổi. Bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế. Sách được dịch ra gần 40 thứ tiếng.

Tam Kỳ

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét