Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Điện lực miền Trung lý giải hơn 600 cột điện gãy đổ sau bão

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho rằng do gió bão và cây xanh đổ vào đường dây, gây lực tác động kép làm gãy đổ cột điện.

Theo thống kê của EVNCPC, bão Noul làm hỏng 616 cột điện ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong đó 304 cột bị gãy, 169 cột đổ, 143 cột nghiêng. Trong 304 cột gãy có 34 cột bê tông dự ứng lực và 270 cột bê tông thường.

Thừa Thiên Huế, nơi bão Noul đổ bộ sáng 18/9, thiệt hại nặng nhất với 272 cột bị gãy đổ, trong đó 30 cột bê tông dự ứng lực, chiếm 11%.

Cột điện ly tâm dự ứng lực gãy ở Quốc lộ 49B. Ảnh: Võ Thạnh

Cột điện bê tông dự ứng lực gãy làm nhiều khúc trên quốc lộ 49B, ngày 18/9. Ảnh: Võ Thạnh

Lý giải tình trạng trên, trong báo cáo ngày 22/9, EVNCPC cho rằng "do cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây), quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn...". Một số cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở vị trí góc, khi gió giật mạnh và hướng gió thay đổi đã làm xoáy, đứt các dây néo, cũng là nguyên nhân làm gãy đổ.

Trước nghi vấn chất lượng cột điện bê tông dự ứng lực có vấn đề, EVNCPC cho rằng "đã rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị đều đảm bảo theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng Luật Đấu thầu".

"Các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được các nhà sản xuất trong nước thiết kế, sản xuất tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt", báo cáo của EVNCPC nêu.

Cột điện thường trên đường Nguyễn Trãi bị bão vặn gãy. Ảnh: Võ Thạnh

Cột điện thường trên đường Nguyễn Trãi bị bão vặn gãy ngày 18/9. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Nguyễn Đại Phúc, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, cho rằng bão Noul cấp 8-9, giật cấp 11 đã làm quăng, quật, giật, xoáy, gây gãy đổ hàng loạt vật cản trên đường di chuyển, trong đó có cột điện.

"Tuy nhiên, nếu theo thiết kế của đơn vị sản xuất (chịu được sức gió trên cấp 12), với sức gió như bão Noul thì cột điện rất khó bị gãy ngang", ông Phúc nêu vấn đề và cho rằng do không phải đơn vị sản xuất, công ty chưa thể đánh giá chất lượng cột điện mà sẽ chờ kết luận từ cơ quan chuyên môn.

Hiện Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế dùng hai loại là cột điện bê tông thường, đúc bằng thép truyền thống và cột bê tông dự ứng lực. Theo quy trình sản xuất, cột bê tông thường được đan thép dày đặc bỏ trong khuôn, sau đó quay tròn đổ bê tông. Cột bê tông dự ứng lực có các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi đúc tại nhà máy. Các cột điện dài từ 6,5 đến 20 m, có sức chịu lực khác nhau.

Theo ông Phúc, cơ quan chuyên môn đánh giá, cột điện ly tâm dự ứng lực chịu lực tốt song có đặc tính giòn. Khi bị tác động ngoại lực mạnh, cột sẽ gãy lìa, sợi thép co rút vào trong. Trong khi đó, cột đúc truyền thống nhiều sắt có đặc tính dẻo, khi bị tác động của ngoại lực sẽ cong oằn, ít đứt lìa. Bão Noul quét qua Thừa Thiên Huế, cả hai loại cột điện này đều gãy đổ.

Trước tình trạng trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu đánh giá điều kiện tự nhiên của miền Trung, nơi có khí hậu khắc nghiệt, biến đổi bất thường. EVNCPC đã giao các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của loại cột bê tông dự ứng lực trong điều kiện cụ thể như diễn biến của cơn bão vừa qua. Khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có chuyên môn, ngành điện sẽ dừng sử dụng loại cột này.

Bão Noul đổ bộ vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sáng 18/9 làm 6 người chết, trong đó Thừa Thiên Huế 4 người; Hà Tĩnh, Quảng Trị mỗi tỉnh một người. Bão cũng làm 112 người bị thương, hơn 22.710 căn nhà bị sập và tốc mái, trong đó Thừa Thiên Huế hơn 21.290, Quảng Trị 890, Hà Tĩnh 330, Quảng Bình 61. 36 điểm trường bị hư hại, riêng Thừa Thiên Huế có 20 trường.

Gió bão làm hơn 2.300 ha cây lâm nghiệp, 300 ha cây ăn quả hư hại. Riêng TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, hơn 10.000 cây xanh đường phố, công viên bị gãy.

Với 272 cột điện gãy đổ, hơn 312.000 hộ dân ở 7 huyện, thị Thừa Thiên Huế mất điện từ trưa 18/9. Ngành điện phải huy động công nhân từ các tỉnh lân cận hỗ trợ khôi phục, đến nay đã đóng điện trở lại cho gần 300.000 hộ dân.

Võ Thạnh

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét