TP HCMNhà văn Nhật Chiêu là diễn giả ở buổi nói chuyện chủ đề "Hồ Xuân Hương - Thơ hát càn khôn", sáng 20/9.
Khách mời tại buổi nói chuyện là tiến sĩ Bùi Trân Phượng. Nhật Chiêu cho biết ông vận dụng lý thuyết văn học, quan điểm triết học của Gaston Bachelard (1884-1962) để đưa ra một cách nhìn về tác phẩm của "Bà chúa thơ Nôm".
Bachelard có hai quyển sách viết về hang động, nhận định nhiều nhà văn lớn trên thế giới liên tưởng hang động với hình ảnh đàn bà. Triết gia Pháp chủ trương óc tưởng tượng của con người dựa trên bốn nguyên tố: Lửa, Nước, Đất, Không khí và tìm mối tương quan của bốn yếu tố nguyên khởi vào cấu trúc vật chất và cấu trúc tưởng tượng.
Nhiều tác phẩm của Hồ Xuân Hương như Kẽm trống, Đèo Ba Dội, Hang Cắc Cớ, Đánh đu... mượn hình ảnh ẩn dụ từ thiên nhiên để thay thế cái nhìn của đàn ông trong quan điểm "nam tôn nữ ti", nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội.
Trên trang cá nhân, Nhật Chiêu có bài viết ngắn:
"Thơ Hồ Xuân Hương được viết ra như thể phục dựng hình ảnh người nữ trên nền thiên nhiên và xã hội để từ đấy mở đường cho một bản diện nữ vừa nguyên thủy hơn lại vừa hiện đại hơn. Đó là đặt người đàn bà vào trong lòng của càn khôn. Mà khôn là Âm là Nữ là Phồn sinh trong Đạo thờ Đất có mặt từ cổ sơ trước khi tín ngưỡng bị đàn ông lái sang Đạo thờ Trời.
Thơ Hồ Xuân Hương là thơ ca của lòng Đất, thể hiện qua vô số hang động, khe suối, giếng thơi, kẽm trống, đèo núi, hồ, chiếc gầu, con thuyền, cái trống... Đó là thơ của nguyên lý càn khôn (âm dương) và biện chứng khép mở. Vậy nên cái ẩn giấu được âm thầm khai lộ mà nói lái chỉ là trò chơi bề mặt không nhất thiết phải có hay phải nói ra.
Đó là cái nhìn cuộc sống 'từ đàn bà' chứ không phải 'về đàn bà'. Và cuộc sống đó không có gì giống với cái theo đuổi công danh được mệnh danh là 'Chí làm trai'. Không có 'Chí làm bà'. Chỉ có khát vọng sống tự nhiên của người nữ. Chỉ có ân ái, thiên nhiên, khao khát yêu và tình thương. Baudelaire nói trong mỗi người chúng ta đều có người đàn ông, người đàn bà và đứa trẻ. Hẳn là thế nhưng điều đó dường như nổi bật ở đàn bà hơn, như có thể thấy qua thơ của Hồ Xuân Hương, nơi mà hình tượng người nữ được hát ca đầy bao dung. Chẳng những thế còn táo bạo nữa. Bao dung và táo bạo như bản thân thiên nhiên".
Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) là nữ thi sĩ đến nay vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di sản văn học của bà đa số được viết bằng chữ Nôm. Nhà thơ Xuân Diệu mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm". Sáng tác của bà bộc lộ tiếng nói của thời đại mình với nét đặc sắc "thanh thanh tục tục".
Thất Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét