Hà TĩnhSau sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, nhiều trụ sở làm việc trị giá tiền tỷ không được sử dụng và đang xuống cấp.
Sáng 22/9, trụ sở xã Việt Xuyên (cũ), huyện Thạch Hà, xây trên khu đất rộng hơn 1.000 m2 vắng vẻ. Dãy nhà hành chính 2 tầng cùng ngôi nhà cấp bốn 5 phòng của trụ sở này được nâng cấp, xây mới năm 2017 với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, nay không được sử dụng. Phía trong, nhiều mảng tường thấm nước, rêu mốc, mái tôn gỉ sét.
9 tháng trước, các xã Việt Xuyên, Thạch Tiến, Phù Việt (huyện Thạch Hà) sáp nhập thành xã Việt Tiến. Trụ sở hành chính mới đặt tại xã Phù Việt (cũ), hai công trình làm việc của xã Việt Xuyên và Thạch Tiến trở nên hoang vắng, dù đều mới xây dựng và nâng cấp.
Cách đó 16 km, trụ sở xã Thạch Hương (cũ) cũng bỏ hoang, sau khi xã này sáp nhập với xã Thạch Lâm và Thạch Tân thành xã mới Tân Lâm Hương. Công trình làm việc xã Thạch Hương (cũ) xây trên khuôn viên rộng hàng nghìn m2, gồm hai dãy nhà hai tầng cùng hội trường khang trang với số vốn 8 tỷ đồng vào năm 2018, hiện không dùng đến. Ở sở xã Thạch Lâm (cũ), người dân tận dụng sân lát gạch hoa kẻ vạch sơn, giăng lưới làm sân chơi bóng chuyền, cầu lông vào mỗi buổi chiều.
"Khu nhà hai tầng của trụ sở xã Thạch Lâm còn mới, có thể bán hoặc cho thuê để tránh lãng phí đất và công trình xây dựng", ông Trần Văn Hải (63 tuổi, trú xã Tân Lâm Hương) nói.
Theo tìm hiểu, sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn huyện Thạch Hà giảm từ 31 xã, thị trấn xuống còn 22. Những trụ sở thừa sau sáp nhập được chính quyền phát thông báo bán, nhưng chưa ai mua.
Huyện Đức Thọ là địa phương sáp nhập nhiều đơn vị hành chính nhất tỉnh Hà Tĩnh, từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16, thừa 12 trụ sở; trong đó nhiều công trình mới nâng cấp hàng tỷ đồng. Đầu năm 2020, một số trụ sở được trưng dụng làm nơi cách ly phòng, chống Covid-19. Hết thời hạn, người dân rời đi, các trụ sở này lại bỏ không, lá khô rụng đầy khuôn viên.
Theo ông Hoàng Xuân Hùng, Phó chủ tịch huyện Đức Thọ, chính quyền lên phương án đấu giá hoặc cho thuê trụ sở dư thừa để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, trả cho UBND xã theo quy định. Tuy nhiên đến nay chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tham gia đấu giá, "vì tài sản trên đất kén khách, ít người đủ năng lực mua".
Tại huyện Lộc Hà, sau khi hai xã An Lộc và xã Bình Lộc sáp nhập thành xã mới An Bình, trụ sở xã Bình Lộc (cũ) bỏ không và trở nên nhếch nhác. Hiện nền và nhiều mảng tường của công trình này bong tróc, phía trong phòng làm việc kim tiêm, giấy khen, vật dụng cá nhân vứt ngổn ngang.
"Chúng tôi phải nhắc trẻ con không được vào các dãy phòng bỏ hoang của trụ sở này chơi, bởi tiềm ẩn nguy cơ dẫm phải kim tiêm hay vật nhọn", bà Nguyễn Thị Hảo (51 tuổi, trú xã An Bình) cho hay.
Một số huyện khác như Can Lộc, Cẩm Xuyên... trụ sở, trạm y tế dư thừa được nhà chức trách lên kế hoạch chuyển cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn làm nhà hiệu bộ và các phòng chức năng, hoặc cải tạo thành nơi trưng bày, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Theo lãnh đạo phòng Giá và Công sản, Sở Tài chính Hà Tĩnh, việc bán tài sản gắn liền với đất ở các xã là "cực khó".
"Công năng trụ sở ủy ban khác với chỗ làm việc của doanh nghiệp hay cửa hàng. Nếu tham gia đấu giá và mua được, người dân phải bỏ nhiều kinh phí để cải tạo, có khi tiền sửa chữa nhiều hơn làm mới nên họ không mặn mà", vị này lý giải và cho rằng cần có thời gian để các bên tìm giải pháp cho vấn đề trụ sở dôi dư trên địa bàn.
Trong các địa phương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và xã, Hà Tĩnh có số lượng đơn vị cấp xã phải sáp nhập nhiều nhất. Giai đoạn 2019 - 2021, 12 trong số13 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh này phải giảm từ 262 xã xuống còn 216, hình thành 34 xã mới.
Quá trình sắp xếp dẫn đến toàn tỉnh Hà Tĩnh thừa 46 trụ sở xã. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương soát xét lại các cơ sở nhà đất sau khi sáp nhập, nếu đơn vị nào có ý định cải tạo, xây mới hoặc bán thì phải trình cấp huyện. Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu, báo cáo tỉnh phê duyệt phương án liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét