Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Thanh Trúc một mình vượt qua trầm cảm

Khi tuyệt vọng, diễn viên Thanh Trúc nghe tiếng cười của con trai, cô quay sang ôm chặt bé, tự nhủ phải vực dậy bản thân.

Thanh Trúc sinh năm 1995. Cô được biết đến sau vai Hương trong bộ phim độc lập Cha và con và... năm 2015 của đạo diễn Phan Đăng Di. Sau thành công của phim, Thanh Trúc sinh con, làm mẹ đơn thân. Ngoài đóng phim, cô làm MC, tham gia các show thực tế... Nửa năm nay, cô ngưng công việc để điều trị bệnh trầm cảm.

- Chị phát hiện mắc trầm cảm từ khi nào?

- Đầu năm nay, tôi thường xuyên trong tình trạng kiệt quệ về tinh thần. Có khi, đang làm việc, tôi như thấy rơi tự do xuống vực thẳm. Đỉnh điểm là cách đây vài tháng, tôi trở về từ Đà Nẵng và tự cách ly vì dịch. Tôi chán nản, giam mình trong bốn bức tường, không thiết trò chuyện cùng ai. Suốt một tháng, tôi chỉ ở trong nhà, kéo rèm lại vì bị chứng sợ ánh sáng. Mỗi ngày thức dậy, tôi như nằm liệt giường, chỉ muốn ở yên một chỗ mãi.

Diễn viên Thanh Trúc

Diễn viên Thanh Trúc có vai đầu tay trong "Cha và con và..." - phim nghệ thuật gây tiếng vang năm 2015 của đạo diễn Phan Đăng Di. Ảnh: Tùng Chu.

Nguyên nhân thì có nhiều lắm, nhưng chủ yếu vì từ trước đến nay, tôi quen một mình gồng gánh mọi chuyện. Tình trạng của tôi ngày càng nặng thêm. Nhiều tuần liền, tôi mất ngủ, mỗi đêm chỉ chợp mắt một, hai giờ là giật mình tỉnh giấc, thậm chí thức trắng. Chứng mất ngủ đáng sợ ở chỗ khiến tôi luôn nghĩ tiêu cực về bản thân. Tôi phải tìm đến thuốc ngủ để sức lực không suy kiệt. Tôi thường trực một suy nghĩ bế tắc rằng: mình tồn tại vì điều gì?

- Ai là chỗ dựa của chị suốt thời gian khủng hoảng?

- Gần như không ai cả. Tôi không sống với cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên, tôi rèn giũa bản thân để trưởng thành vì không ai bên cạnh uốn nắn. Những năm gần đây, tôi và gia đình - thậm chí là mẹ ruột - vẫn không thể hàn gắn. Quãng thời gian sinh con trai - bé Sumo, tôi tự vượt qua vì không còn gia đình để trở về. Tôi không trách cha mẹ vì biết họ cũng có nỗi khổ riêng. Nhiều lúc, tôi chỉ thèm được vui vầy cùng cha, mẹ và con trai bên mâm cơm. Việc thiếu thốn tình thương người thân cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôi rơi vào khủng hoảng.

Cách đây vài tháng, tôi chia tay bạn trai sau hai năm gắn bó. Chúng tôi yêu xa, người ở TP HCM, người ở Hà Nội. Anh ấy không làm showbiz nhưng biết cách quan tâm, động viên tôi. Anh từng là chỗ dựa tinh thần lớn với tôi.

- Khi bị trầm cảm, chị nghĩ gì về con trai?

- Điều tôi hối hận nhất là có lúc, vì tinh thần kiệt quệ, tôi đã trút giận lên con trai và tát bé, dù bé chẳng làm gì sai cả. Con chỉ tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn tôi. Đánh con xong, tôi giận mình kinh khủng, chỉ biết ôm con rồi khóc. Cầm nắm thuốc ngủ trong tay, tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng nhìn lại nụ cười trẻ thơ của con, tôi biết mình cần dũng cảm. Nghe tiếng con cười, lòng tôi mạnh mẽ hơn. Chết thì dễ dàng lắm, nhưng người ở lại sẽ ra sao? "Sumo không thể mồ côi mẹ" - ý nghĩ đó in hằn trong tâm trí tôi. Tôi quyết định phải vực mình dậy.

Con trai Sumo

Con trai Sumo của Thanh Trúc hơn bốn tuổi, đang học mầm non. Ảnh: Phước Lộc.

- Chị vượt qua chứng bệnh ra sao?

- Đến một lúc, tôi nhận ra không thể uống thuốc ngủ mãi, phải tự tìm liệu pháp để điều trị tâm lý. Tôi liên hệ người quen là bác sĩ bệnh viện Đại học Y Hà Nội để có kế hoạch chữa bệnh khoa học hơn. Ra đến nơi, tôi ngồi suốt một tiếng mà máy vẫn không đo được điện não vì tinh thần bất ổn. Bác sĩ đánh giá tình trạng của tôi khá nghiêm trọng, cần chữa trị lâu dài. Hiện tôi đã ổn dần dù phải dùng thuốc mỗi ngày. Tôi đi làm lại, bắt mình phải ra ngoài, tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhiều hơn để tránh các luồng năng lượng tiêu cực. Tôi đi chùa thường xuyên vì theo Phật từ nhỏ. Mỗi đêm, tôi nằm nghe pháp thoại của nhà sư Minh Niệm, thấy lòng nhẹ nhõm.

Tôi chia sẻ tình trạng của mình với vài người bạn thân. Khi bị trầm cảm, nhiều người ngại nói ra bệnh tình vì sợ đàm tiếu. Tôi thì ngược lại, bắt mình phải giãi bày với ai đó vì sợ đến một lúc không thể chịu nổi và nghĩ quẩn. Khi ra Hà Nội, tôi được một người chị - vốn là Hoa hậu Việt Nam - rủ về nhà chơi. Hai chị em thức đến sáng tâm sự. Nghe chị kể về những khúc mắc chị từng trải, tôi cũng được gỡ rối phần nào. Chị ấy tặng tôi một cuốn sách giúp chị vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tôi đọc sách như một cách trị liệu tinh thần. Khi đọc cuốn Người nam châm (Jack Canfield, D.D Watkins), tôi tâm đắc với câu: "Nếu bạn không tha thứ cho người khác, chẳng khác nào bạn đang ngậm thuốc độc và bắt người khác chết". Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, tôi như cất được những bộn bề trong lòng.

Thanh Trúc tập bơi lội, nhảy dây để rèn luyện thể chất thời gian trị bệnh. Ảnh: Minh Luân.

Thanh Trúc tập bơi lội, nhảy dây để rèn luyện thể chất thời gian trị bệnh. Ảnh: Minh Luân.

- Làm mẹ đơn thân, chị tích lũy kinh tế ra sao cho tương lai của con?

- Thời gian bị trầm cảm, tôi không đi làm được. Tương lai của con luôn là điều tôi canh cánh mỗi ngày. Tôi chi tiêu dè sẻn, không mê hàng hiệu, nhu cầu mua sắm lại không quá nhiều. Tôi ăn chay trường, chủ yếu tự nấu, cũng không thích la cà quán xá. Với khả năng của mình, tôi lo được cho con đủ ăn, đủ mặc. Song sau này, để con có thể du học, có tương lai tốt hơn, tôi phải cố gắng rất nhiều. Mỗi tháng, tôi còn chu cấp cho cha mẹ vì ông bà đều bệnh tim. Đạo làm con, tôi muốn giữ trọn chữ hiếu.

Ngẫm lại, tôi chưa phải là người mẹ tốt. Những năm qua, tôi không toàn tâm toàn ý lo cho con. Tôi chưa nghĩ đến việc đi thêm bước nữa bởi con vốn đã thiệt thòi vì thiếu thốn tình thương. Khi tôi đến với ai đó, tình cảm dành cho bé lại bị san sẻ thêm. Tôi muốn dành cuộc đời còn lại cho bé Sumo. Nếu sau này, tôi không cưới ai, con trai sẽ là người bạn để cuộc sống tôi bớt phần cô độc.

Thanh Trúc tập chèo ván đứng (sup) trên sông ở Nghệ An trong chương trình "Trên từng cây số"

Thanh Trúc tập chèo ván đứng (sup) trên sông ở Nghệ An đầu tháng 9. Video: VTV.

Mai Nhật

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét