Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Tháo dỡ trạm dừng chân xây trên đá nham thạch

Quảng NgãiBị phản ứng vì xây dựng trên nền đá nham thạch triệu năm, trạm dừng chân bêtông ở đảo Bé buộc phải tháo dỡ.

Ngày 23/9, ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND Huyện Lý Sơn cho biết, công trình điểm dừng chân ở phía Đông bãi Hang, đảo Bé, đã được tháo dỡ sau khi huyện tiếp thu ý kiến của người dân và chuyên gia.

Điểm dừng chân nằm phía đông bãi Hang, có diện tích khoảng 26 m2, bị buộc tháo dỡ. Ảnh: Xuân Thọ.

Điểm dừng chân nằm phía Đông bãi Hang, có diện tích khoảng 26 m2, bị buộc tháo dỡ. Ảnh: Xuân Thọ.

Theo ông Ninh, do huyện chưa sâu sát trong việc giám sát thi công, tin tưởng chủ đầu tư (Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Lý Sơn) nên dẫn đến vị trí xây nằm trên đá nham thạch là không phù hợp. Huyện sẽ xây điểm dừng chân ở vị trí khác cách đó 300 m, để không làm ảnh hưởng đến di sản địa chất.

Điểm dừng chân bị tháo dỡ nằm trong 4 công trình mà UBND huyện Lý Sơn đề xuất đầu năm nay, sau đó gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch góp ý. Giữa tháng 2, Sở này thống nhất với đề xuất, nhưng góp ý Lý Sơn cân nhắc mật độ xây dựng ba điểm dừng chân 2, 3, 4 (chỉ cách nhau 100 m).

Đồng thời, Sở đề nghị chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế có giải pháp hạn chế sạt lở, sụt lún và tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương, thân thiện với môi trường, hạn chế bêtông cốt thép.

Sau đó, Huyện ủy Lý Sơn thống nhất chỉ xây dựng 2 trong số 4 công trình đề xuất, với kinh phí 500 triệu đồng mỗi điểm. Huyện ủy yêu cầu chọn điểm xây phù hợp, tuyệt đối không làm tổn hại cảnh quan, di tích trên đảo...

Điểm thứ nhất ở vị trí Mom Tàu, phía Đông đảo Bé, rộng khoảng 30 m2, được thiết kế hình tròn, có đường kính 6,2 m, cao khoảng 5,6 m. Điểm dừng chân thứ hai, nằm phía Đông bãi Hang, có diện tích khoảng 26 m2, được thiết kế theo hình thất giác, có mặt cạnh rộng gần 2,7 m, tổng chiều cao công trình khoảng 5,2 m. Trong đó phần thân công trình cao 3 m, còn lại là phần mái.

Điểm dừng chân thứ nhất ở phía Đông đảo Bé. Ảnh: Xuân Thọ.

Điểm dừng chân ở phía Đông đảo Bé được giữ lại vì xây dựng gần đường bêtông, không chồng lên đá núi lửa. Ảnh: Xuân Thọ.

Giữa tháng 9, khi điểm dừng chân thứ hai đang được xây dựng thì vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân, cho rằng công trình xây trên đá nham thạch, phá vỡ cảnh quan hoang sơ của đảo Bé, "mất điểm" trong mắt du khách.

Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học địa chất và khoáng sản cho rằng việc sử dụng vật liệu bêtông để xây trên đá trầm tích núi lửa là không phù hợp. "Ở nơi khác như Gành Đá Đĩa của Phú Yên, các chuyên gia tư vấn nước ngoài khuyên không nên cho du khách đi lại thoải mái trên đá trầm tích, huống gì là xây dựng chòi bêtông" ông Văn nói.

Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, cách đất liền 24 km, khoảng nửa giờ đi tàu. Đảo được tạo nên từ những đợt phun trào núi lửa từ 10 triệu năm trước. Theo các chuyên gia địa chất, Lý Sơn có tổng cộng 10 miệng núi lửa, trong đó có 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, một miệng ở đảo Bé và 3 miệng còn lại ngầm dưới đáy biển.

Với địa chất độc đáo và nhiều di sản văn hóa, lịch sử, Lý Sơn trở thành vùng lõi của dự án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh mà UBND Quảng Ngãi đang lập hồ sơ để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận.

Phạm Linh

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét