Các dự án mở rộng cầu, đường Bùi Đình Túy, Lê Quang Định, Phan Văn Trị... lần lượt triển khai, xóa điểm nghẽn "cổ chai" gây ùn tắc, kẹt xe nhiều năm.
Vài tháng nay, hàng chục căn nhà hai bên đường Bùi Đình Tuý (đoạn gần giao lộ Phan Văn Trị) ở quận Bình Thạnh lần lượt bị phá dỡ, lùi sâu để kịp bàn giao đất chờ thi công dự án mở rộng đường. Nhiều chỗ gạch đá, xà bần ngổn ngang do mới san ủi tạm, nhưng đoạn đường dần thông thoáng.
Dọn dẹp phần xà bần trước nhà, ông Mã Văn Hậu, 60 tuổi, cho biết ngôi nhà của ông rộng 62 m2, sau khi tháo dỡ thành căn "siêu mỏng" khi chỉ còn 5 m2. Nhận 5 tỷ đồng đền bù, ông Hậu mua căn nhà khác bên quận Gò Vấp để vợ con ở. Còn mình "chạy qua, chạy lại hai bên" nhưng chủ yếu sống tại nhà cũ là tiệm sửa điện bởi đã quen và hộ khẩu cả nhà đăng ký ở đây.
"Dự án mở rộng đường khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Tuy nhiên khi được vận động tôi đồng ý ngay vì không muốn cảnh kẹt xe trước nhà mình kéo dài triền miên nhiều năm qua" ông Hậu nói và cho hay chấp nhận nhận đền bù thấp hơn thị trường để dự án nhanh chóng triển khai, ùn tắc được giải quyết.
Ở gần đó, bà Diệp, 68 tuổi, một trong những hộ bàn giao mặt bằng đầu tiên cho dự án, kể nhiều năm nay đoạn đường trước nhà là nỗi ám ảnh kẹt xe, khói bụi. "Không ít lần chỉ cách nhà vài trăm mét nhưng tôi phải gửi xe đi bộ về do đường tắc cứng", bà Diệp nói và cho biết hiện căn nhà được sửa tươm tất dù mặt tiền bị "cắt" 30 m2, phòng khách trước rộng rãi giờ còn vài m2, có hình tam giác.
"Nhà bị thu hẹp song đường xá thông thoáng mình sẽ hưởng lợi về lâu dài", bà Diệp nói và chia sẻ việc công khai, minh bạch giá bồi thường mà quận Bình Thạnh làm tạo được nhiều đồng thuận. Một số người dân chấp nhận giá bồi thường trung bình 80 triệu đồng mỗi m2, bằng 60-70% giá thị trường.
Dự án mở rộng đường Bùi Đình Túy thi công từ hẻm 304 đến đường Phan Văn Trị, dài 225 m, qua ba phường 12, 14 và 24, được UBND quận Bình Thạnh ấp ủ nhiều năm này. Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận cho hay số tiền bồi thường khoảng 162 tỷ đồng. Dự án có 70 hộ dân bị ảnh hưởng, hiện còn hai hộ chưa đạt thỏa thuận bồi thường.
Sau khi mặt bằng được bàn giao, đoạn đường Bùi Đình Túy sẽ mở rộng lên 12 m (lề đường mỗi bên 2 m) đúng lộ giới 16m thay cho 4-5 m như hiện tại. Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết kẹt xe ngay các góc ngã ba giao với Phan Văn Trị và Nguyễn Thiện Thuật giờ cao điểm.
Cách đó 2 km, chiều 17/9 trên đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, tiếng máy khoan rầm rập ở nhiều căn nhà đang tháo dỡ, xây sửa sau khi "cắt" đất bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án xây mới cầu Hang Ngoài. Kỹ sư công trình cũng đang gấp rút đo vẽ, kiểm tra ranh dự án tại các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Văn Thái, 57 tuổi, đang tháo dỡ phần trước ngôi nhà hai tầng trên đường Lê Quang Định gần cầu Hang Ngoài, nói sau nhiều lần chính quyền địa phương vận động, gia đình chấp nhận lùi vào hơn 4 m. Sống ở đây hơn 30 năm, chứng kiến cảnh kẹt xe liên tục nên ông Thái đồng tình cần sớm có cầu mới thay thế cầu cũ xây cách đây 40 năm, nhỏ hơn mặt đường.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), dự án cầu Hang Ngoài được duyệt 3 năm trước. Công trình dài 650 m, trong đó 25 m phần cầu chính trên trục đường Nguyễn Văn Nghi - Lê Quang Định. Tổng vốn đầu tư gần 404 tỷ đồng, trong đó có hơn 338 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng.
Dự án mở rộng mặt cầu lên 22,5 m, gấp đôi cầu cũ và đoạn đường dẫn qua cầu dài 625 m trên trục đường Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Văn Nghi mở rộng đồng bộ với mặt cầu. Kế công trình này trước đó có dự án mở rộng đường Phan Văn Trị, bao gồm cầu Hang Trong (quận Gò Vấp), dài 320 m đã hoàn thành giải quyết "nút cổ chai" tại đoạn giao đường Phạm Văn Đồng ùn ứ nhiều năm.
Ngoài các công trình đang triển khai nói trên, thời gian qua nhiều dự án mở rộng đường, xóa "nút thắt cổ chai" được hoàn thành. Điển hình như dự án mở rộng đường Tô Ký (huyện Hóc Môn); đường ven rạch Lăng, nối khu tái định cư đến đường Chu Văn An gần Học viện Cán bộ thành phố (quận Bình Thạnh); mở rộng 2 m cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và 7); nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân (quận 7)...
Ông Lương Minh Phúc cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đăng ký với thành phố hơn 100 dự án xóa ùn tắc, kẹt xe ở nhiều quận huyện. Qua triển khai một số dự án, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn và mặt bằng. "Trong 75 dự án đang làm, có 57 công trình vướng mặt bằng, thậm chí một số dự án phải tạm ngưng do mặt bằng không có", ông Phúc cho biết.
Giải pháp đưa ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ chủ động làm việc với các địa phương, liên tục cập nhật về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở từng dự án để có phương án giải quyết. "Hiện UBND thành phố cứ 2 tuần một lần họp với đơn vị và địa phương giải quyết khó khăn ở các dự án lớn. Chúng tôi chọn những công trình đang có nhiều ùn tắc, kẹt xe để ưu tiên làm trước", ông Phúc nói.
Gia Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét