Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

24 giờ thấp thỏm trong cuồng phong Molave

Vừa về TP HCM sau khi cứu trợ lũ lụt miền Trung, Phạm Văn Châu rất lo lắng khi nghe cuồng phong Molave vào đảo Lý Sơn, quê hương anh.

Châu 28 tuổi, đã ở TP HCM khoảng 10 năm để đi học và làm việc, nhưng không lạ gì với bão, thứ "đặc sản" không được chào đón ở quê hương anh.

Lý Sơn, đảo tiền tiêu của Quảng Ngãi, cách đất liền hơn 30 phút đi tàu, luôn là nơi đầu tiên hứng bão. Người dân đã quen thuộc với bão và áp thấp với những bản tin theo mô tuýp "Đảo Lý Sơn bị cô lập, tàu cao tốc đưa du khách về bờ". Nhưng lần này, cơn cuồng phong Molave được dự báo là "ngoài sức tưởng tượng", không còn du khách nào ở lại, người dân đất đảo phải lo cho chính mình.

Hai ngày trước bão, Châu (ở Sài Gòn) và anh trai (đang làm việc ở Đà Nẵng) đã gọi điện về cho cha mẹ để dặn dò giằng chống nhà cửa bằng bao cát, chuẩn bị lương thực, sạc điện thoại. Nhà trệt đổ mê (mái bêtông), bố mẹ Châu không phải sơ tán vì khá yên tâm, Châu lo lắng nhiều hơn cho ngôi nhà cấp 4 lợp ngói của bà nội ngay trước căn nhà kiên cố của mình, và nhà các cậu, chị, anh, chị họ.

Chiều 27/10, cơn bão còn cách xa đất liền nhưng ở Lý Sơn đã có gió mạnh, sóng biển cao 3,5 – 5m bao vây hòn đảo hơn 10 km2 với hơn 22.000 dân. Ông Phạm Văn Nhơn, bố Châu đóng cửa ngôi nhà của mẹ ông (bà nội Châu) để đưa bà về ở chung cho an tâm.

Trước giờ bão đổ bộ, ông Nhơn, vợ, mẹ, cùng đứa cháu, và hai người hàng xóm sang ở nhờ cùng quây quần, trò chuyện. Đến 16h, tiếng gió bắt đầu rít. Ngồi trong nhà, cả gia đình nghe thấy sóng ầm ầm đánh bờ kè. Các cánh cửa được khép chặt.

Lúc này, Châu đã lập nhóm chat trên mạng xã hội để cả nhà cùng trao đổi thông tin từ trong đất liền ra đảo và ngược lại. Từ những hình ảnh ở quê nhà, Châu liên tục cập nhật hiện trạng đảo trên mạng, để đánh động bà con và giúp nhà chức trách nắm tình hình ứng phó.

Từ nhà cao tầng, người dân Lý Sơn nhìn thấy mái tôn ở những ngôi nhà cấp 4 bị gió thổi bay. Ảnh: Chí Tâm.

11h đêm, sức gió của bão Molave ở đảo Lý Sơn đã đạt cấp 10-11, các mái tôn bị gió giật bần bật, phát ra tiếng kêu răng rắc. Trại nuôi gà, vịt ở gần nhà Châu đã bay mảng tôn đầu tiên. Đến 1h ngày 28/10, toàn bộ đảo Lý Sơn đã cúp điện, gió mạnh hơn.

Nhóm chat gia đình của Châu lúc này không thể gọi video mà chỉ có thể gửi thông tin, hình ảnh. Đến 3h - 4h sáng, Châu và gia đình không thể liên lạc bằng cách gọi qua mạng xã hội, anh liên tục phải gọi qua số điện thoại về nhà để nắm tình hình.

Ở đảo Lý Sơn, lỗ thông gió trên mái nhà được người dân gọi là "giếng trời". Gia đình Châu đã đậy lại "giếng trời" để mưa không tạt vào nhà trong bão. Gió mạnh từ 17h ngày 27 đến 10h trưa 28/10 giật nắp đậy lỗ thông gió như muốn cuốn bay.

Đến 11h ngày 28/10, tâm bão Molave đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn là nơi đầu tiên bão "ghé thăm". Khác với đất liền, chỉ có một vài hướng gió khi cuồng phong đến, người dân Lý Sơn bị bốn bề sóng gió bủa vây.

Giữa gió giật, mưa lớn, bố mẹ Châu lấy dây thừng tiếp tục giằng chống lỗ thông gió. Sau đó, cả nhà tiếp tục đóng cửa, chờ trận cuồng phong đi qua.

Bà Phạm Thị Cắt, bà nội của Châu đã 79 tuổi, từng sống qua rất nhiều cơn bão, trong đó có trận bão lịch sử Chanchu năm 2006, bảo rằng trận bão Molave còn mạnh hơn trận bão lịch sử năm đó.

Khi ấy, nhà của Châu còn là nhà cấp bốn, mái tôn, như hơn 1.000 người dân khác phải di dời trong đợt bão Molave lần này. Nhưng 14 năm trước, những ngôi nhà còn thô sơ hơn vẫn đứng vững trong bão Chanchu.

Lần này, từ trong những nhà kiên cố, hay tầng cao của những khách sạn, công trình, trụ sở, mọi người đều bàng hoàng khi thấy những tấm tôn bay vèo vèo "như những tờ giấy", mái ngói cũng bị giật sập.

Ngoài bờ biển, hàng dừa đang oằn mình trong tiếng gió rít, còn sóng biển thì tung bọt đục ngầu.

Trận cuồng phong cấp 13 quần thảo hơn hai tiếng thì nhẹ bớt được khoảng nửa giờ, bố Châu ra ngôi nhà cấp bốn phía trước của mẹ ông thì thấy mái ngói đã bị thổi bay, tủ thờ bị xô lệch, nhiều đồ thờ cúng vắng xuống đất.

Đảo Lý Sơn tan hoang sau bão
Bão hoành hành đảo Lý Sơn.

Người Lý Sơn đặc biệt tôn kính bàn thờ của tổ tiên. Khi bố Châu kê lại tủ cho đúng vị trí, bà nội của Châu thì nhặt di ảnh, lư hương,... đem đi cất.

Hàng loạt ngôi nhà xung quanh nhà Châu đã thành đống đổ nát. Trên đường, tôn bay xuống nằm ngổn ngang, cây ngã hàng loạt. Từ trên những ngôi nhà cao tầng nhìn xuống phía dưới là khung cảnh hoang tàn.

Ngoài bến cảng, những con thuyền không còn được ngay ngắn như lúc neo đậu mà xéo, nghiêng, va vào nhau. Hàng chục chiếc canô du lịch bị sóng đánh chìm, hư hại.

Đến hơn 13h, hoàn lưu bão tiếp tục nổi gió rít mạnh, nhiều người từ khu sơ tán tập trung vừa về để xem thiệt hại đã phải quay lại khu tập trung. Đến 16h, hơn 1.000 người Lý Sơn mới về lại để dọn dẹp phần nào đống đổ nát.

Cũng như gia đình Châu ở đảo Lý Sơn, gần nửa triệu người dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định bắt đầu đi sơ tán từ sáng 27/10.

Miền Trung ứng phó với bão Molave
Người miền Trung trước khi bão càn quét.

Tại Quảng Nam, buổi chiều trước ngày bão vào, bà Trần Thị Chung vẫn chần chừ "Hay má ở lại trông nhà, còn bàn thờ ba con. Má cứ ngồi im trong nhà, núp dưới giường".

Ngôi nhà nằm ở xã biển Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam), đã được đặt các bao cát, néo giữ khung bằng dây thừng – như hàng chục nghìn ngôi nhà khác dọc dải miền Trung mỗi khi bão vào. Quảng Nam khi ấy dự kiến nằm trong tâm cơn cuồng phong mạnh cấp 14. Nhưng con gái níu lấy tay áo bà, giục "ăn cơm rồi đi lẹ".

Loa phát thanh của xã giục giã người dân di dời đến nơi kiên cố, công sở, trường học, nhà mái bằng đổ bêtông. Hàng xóm hối hả neo buộc nhà cửa, ôm đồ đi tránh bão. Ngoài đường, dân quân, công an xã đi vận động người dân đi sơ tán tập trung.

Bình Minh có hơn 2.000 hộ dân với khoảng 8.000 nhân khẩu, còn được gọi là "làng Chanchu". Bà Chung - một trong số 86 goá phụ của xã, có chồng nằm trong số ngư dân mất tích khi cuồng phong Chanchu quét qua vùng biển Bắc Hoàng Sa, tháng 5 năm 2006. Bà Chung cuối cùng nghe lời con gái, để lại căn nhà chằng chống bằng những bao cát, dây thừng, gói ghém quần áo, đến nhà kiên cố tránh trú.

Ngồi trong ngôi nhà hai tầng kiên cố của thôn, bà Chung trằn trọc không ngủ được, nghe gió rít từng cơn, biết "sau trận này thế nào cũng đi lụm từng miếng fibro xi măng vỡ".

Thảo, một phụ nữ khác vừa ru con ngủ, vừa lo lắng nhìn ra ngoài trời bắt đầu mưa gió nổi lớn. Chồng chị là dân quân xã, đi chống bão suốt hai ngày, bỏ lại ngôi nhà không người chằng chống. Thảo mang theo hai con trai, lớn 4 tuổi, bé 4 tháng đến công sở xã từ chiều tối. Em bé bốn tháng lạ giường, khóc ngằn ngặt. Thảo 32 tuổi, cuộc đời từng nếm trải những trận bão lớn nhất, từ trận năm 1999, đến Xangsane năm 2006 và bây giờ là Molave. "Nhớ nhất là Xangsane, hồi đó còn bé, mẹ gửi mấy chị em di tản lên tận thị trấn Hà Lam, cách nhà gần chục cây số để trốn bão", chị kể.

Sáng 28/10, chỉ vài tiếng trước khi đổ bộ, Molave với sức gió mạnh trên cấp 12 khiến nhà cửa rung bần bật, tấm tôn bay tứ tán. Quần thảo suốt bảy tiếng, từ 10h đến 16h, tốc độ gió cấp 10 – 12, Molave khiến Quảng Nam thiệt hại nặng, một người chết, hai người mất tích, năm người bị thương. Hàng chục ngôi nhà sập, tốc mái. Bờ biển Cửa Đại, Hội An tiếp tục sạt lở khoảng 2,5 km. Hệ thống đê ngăn mặn ven biển bị hư hỏng nặng tại nhiều vị trí. Thiệt hại sơ bộ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tròn một ngày đi sơ tán, bà Chung lẫn chị Thảo, dắt díu con thơ, trở về ngôi nhà của mình lúc chập choạng tối. Cả xã vẫn mất điện, chìm trong bóng tối. Tám trụ điện đổ liên hoàn, nằm rạp trên đường. Đúng như bà Chung dự đoán, tấm tôn bị lật một góc, mái lợp fibro xi măng vỡ nát, bay mỗi nơi mỗi mảnh.

Bình Định, chiều 28/10, bà Mai Thị Dãy, 81 tuổi (ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát) vẫn chưa hết bàng hàng. Bà ngồi thất thần trước căn nhà cấp 4, gương mặt còn nguyên vết xước li ti của mảnh gạch vỡ cứa vào lớp da nhăn nheo của tuổi bát tuần. Bà không nói được gì, ngoài câu "Đội ơn Trời Phật phù hộ" lặp đi lặp lại. Con gái bà, cách hơn một km, cũng đã có mặt gần bên mẹ già, vỗ về, choàng vai ôm mẹ khóc.

Được dự báo không nằm trong vùng tâm bão, chính quyền địa phương đã yêu cầu bà Dãy và mọi người không được rời nhà. Bà Dãy được con gái đề nghị qua nhà ở chung nhưng không chịu qua, mà đóng cửa nhà, không ra ngoài theo khuyến cáo.

Đến 8h ngày 28/10, khi tâm bão tiến sát đất liền, một cơn gió lốc xé toạc nguyên cả mảng tôn trên nóc căn phòng. Bà nằm trố mắt nhìn, không kịp chạy. Mảng tôn bay ra xa cách nhà 20 m. Tường gạch bị vỡ, dăm gạch bay tung tóe cứa vào mặt bà, nhưng rất may, vết cứa không đáng kể.

Bờ tường sập, mảng tôn bay kèm tiếng động kinh hoàng. Bà không còn cách nào khác, chỉ biết chạy ra ngoài thoát thân. "Mẹ tôi như ngất đi vì sợ hãi, may còn bà con lối xóm tới dìu vào, ủi an", bà Nguyện, con gái Dãy nói trong tiếng khóc mừng tủi vì mẹ mình thoát chết trong bão.

Nhà bà Trần Thị Nguyệt, 53 tuổi, xã Cát Hải, huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị sập và bay mái tôn. Mẹ của bà Nguyệt 81 tuổi đang nằm trong nhà may mắn thoát nạn. Ảnh: Tuấn Việt - Việt Quốc.

Cuối chiều 28/10, ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi khi từ khu tập trung về lại ngôi nhà mình thuê cách đây ba tháng cho vợ và ba con ở, anh Võ Phước Biên cùng vợ thẫn thờ khi thấy ngôi nhà đã bị lột hết mái tôn. Các vật dụng như tủ quần áo, tủ lạnh đều nằm nghiêng ngả, hư hỏng.

Anh Biên làm nghề lặn biển, có một ngôi nhà khác bên bờ biển xã Bình Hải, nhưng ba năm trước, anh bị tai biến trong một lần lặn biển do thay đổi áp suất đột ngột. Đôi chân bị tê liệt phải chữa trị trong ba năm khiến anh phải bán nhà, gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ.

Đôi chân anh cuối cùng đã khỏi, ba tháng qua, anh cùng vợ thuê nhà ở, đầu tư sửa lại và mua sắm vật dụng tiêu tốn của anh khoảng 30 triệu đồng, thì bão này đã khiến anh Biên một lần nữa "về lại số không".

Anh Biên nói "còn sống là may rồi", anh cũng từng chịu tai nạn ngoài biển, từng bất lực trước biển, mẹ thiên nhiên. Anh cùng vợ sẽ ở nhờ một gia đình có nhà kiên cố rồi tính tiếp.

Cũng như gia đình bà Chung, chị Thảo ở Quảng Nam, anh Biên sẽ nhặt những tấm tôn bay để chờ mưa tạnh, trai tráng lợp lại nhà. Nói như bà Chung, bão lụt đã quen, "không phải dự đám tang nhà nào là mừng rồi".

Anh Võ Phước Biên ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi về thấy cửa bị bứt khóa, toàn bộ mái tôn bị gió cuốn bay. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bão Molave hình thành sau bão Saude, hôm 25/10 ở phía Đông Nam thủ đô Manila. Sau khi quét qua Philippines, gây mưa lớn và gió giật khiến hàng chục nghìn người dân phải sơ tán, bão tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông.

Vào đất liền muộn hơn dự báo một tiếng, 11h mới đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định, tuy nhiên, từ 9h sáng ảnh hưởng của bão Molave đã khiến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mưa có mưa to, gió giật mạnh.

Với sức gió cấp 12 (135 km/h), giật tăng ba cấp khi vào đất liền, Molave được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, hơn cả bão Damrey vào miền Trung năm 2017. Nguyên nhân do đường di chuyển của bão không có chướng ngại vật, nước biển ấm, áp cao không khí lạnh suy yếu.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi thống kê, bão Molave khiến tâm bão Quãng Ngãi thiệt hại nặng nề, làm 165 căn nhà bị sập, 151 điểm điểm trường hư hỏng. Ngoài ra hàng nghìn hecta hoa màu hư hại, ngập úng do lũ ở các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ. Giao thông một số khu vực huyện miền núi bị hư hỏng, chia cắt. Đến nay toàn tỉnh vẫn bị mất đến, chưa khắc phục được.

Thống kê các tỉnh Nam Trung Bộ, bão Molave hoành hành suốt 7 tiếng đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân, trong đó hơn 56.000 căn nhà bị tốc mái. Hơn 1,7 triệu hộ ở 10 tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên bị mất điện. 6 sân bay khu vực này phải đóng cửa hơn 20 giờ, hàng trăm chuyến bay phải hủy. Ngành đường sắt dừng chạy một số tàu, điều chỉnh lịch chạy để tránh bão. Giao thông đường bộ qua các tỉnh cũng bị ùn tắc.

Sáng nay, sau một đêm chìm trong bóng tối, người dân đảo Lý Sơn của Châu bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát khi nắng lên, họ sẽ phải làm lại từ đầu khi "về lại số không". Châu đã bay về lại Lý Sơn, lần này, anh cũng tham gia cứu trợ "đồng bào miền Trung", nhưng đồng bào của anh chính là cha mẹ, ông bà và những người Lý Sơn ruột thịt của mình.

Phạm Linh - Hoàng Phương - Việt Quốc - Phước Tuấn

+

Phạm Linh

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét