Khánh HòaGiữa tâm bão Molave, nước tràn mạnh vào tàu, 14 ngư dân chuẩn bị mỗi người một can nhựa 20 lít, kèm thức ăn khô cột vào người phòng tình huống xấu nhất.
Các ngư dân trên tàu cá nói trên, do anh Lê Thanh Toàn, 27 tuổi, làm thuyền trưởng gặp nạn trên biển, được tàu Kiểm ngư đưa về cảng Ba Ngòi, TP Cam Ranh, sáng 31/10. Họ được kiểm tra sức khỏe, trước khi trở về quê ở Bình Định. Trước đó, tàu cá này khi trên đường vào bờ tránh bão, cố gắng quay lại tìm kiếm tàu bạn bị mất tích đã gặp phải sự cố và lênh đênh gần hai ngày trên biển.
Ánh mắt thất thần sau khi trải qua biến cố lớn, thuyền trưởng Toàn kể tàu anh và tàu bị chìm (chở 12 người, do anh Nguyễn Văn Minh, 45 tuổi, làm thuyền trưởng) cùng xuất bến ở cảng Tam Quan, Hoài Nhơn (Bình Định) hôm 5/10 hướng ra ngư trường gần khu vực Trường Sa (Khánh Hòa). Ngày 27/10, khi bão Molave lớn dần ở Biển Đông, hai tàu quyết định chạy vào Cam Ranh tránh trú. Tàu anh Toàn chạy trước, tàu anh Minh chạy sau, giữ khoảng cách chừng 5 hải lý (chừng 9 km).
Gần 14h cùng ngày, anh Toàn nhận được tin tàu thuyền trưởng Minh gặp nạn, đang chìm dần khi cách bờ hơn 143 hải lý (khoảng 264 km). Qua bộ đàm, Toàn nghe giọng thuyền trưởng Minh gấp gáp nhờ giúp đỡ, những người xung quanh la hét, hoảng loạn. Lúc này cơn bão đang đến gần, nguy hiểm cận kề nhưng anh Toàn vẫn quyết định cho tàu quay lại, tăng tốc tới ứng cứu tàu.
Sau hơn một giờ, tàu anh Toàn tiếp cận tọa độ tàu bạn kêu cứu. Lúc này thời tiết xấu, sóng cấp 7-8, mưa như trút, gió giật mạnh, tầm nhìn bị che khuất. Thuyền trưởng Toàn cho tàu chạy nhiều vòng nhưng không tìm thấy tàu bị nạn. Bộ đàm không còn liên lạc được, các thuyền viên ra sức gọi, song không ai phản hồi.
Anh Toàn tiếp tục vòng đi vòng lại nhiều lượt vẫn không thấy tàu. Xung quanh chỉ còn tiếng gió rít, mưa và sóng biển. Mọi người đều căng thẳng, không khí nặng nề bao trùm lên con tàu. Hơn 2 giờ quần thảo trong khu vực để tìm kiếm, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng.
Đến hơn 17h, trời bắt đầu tối, cũng là lúc bão Molave bắt đầu tràn qua, tàu anh Toàn không thể đi tiếp được. Họ dừng tìm kiếm và thả giàn dù (một loại dù bung ngầm dưới nước buộc trước mũi tàu) giữ cho tàu ổn định trước sóng gió. Bão mỗi lúc một lớn, mưa giông kèm sóng biển vỗ mạnh khiến nước tràn vào tàu. Các thuyền viên dùng máy bơm hút nước ra ngoài, cố gắng bám trụ.
Giữa đêm, từng đợt sóng ập đến dữ dội hơn, hất tung các vật dụng bên trong. Hàng loạt bóng đèn vỡ, nước tiếp tục tràn vào, có lúc cao bằng đầu gối. Tàu chao theo sóng biển. Thấy tình hình không ổn, 14 thuyền viên mỗi người lấy một can nhựa (loại 20 lít), đổ vào can chừng 7-8 lít nước, kèm thức ăn khô, rồi cột vào vào người.
"Làm như vậy để phòng tình huống xấu nhất tàu chìm, mọi người vẫn cầm cự được trên biển để có tàu đi qua phát hiện, cứu hộ", anh Toàn nói và cho biết trước đó tàu đã phát tín hiệu cầu cứu vào đất liền. Các thuyền viên được yêu cầu không được hoảng loạn, phải sát cánh bên nhau, không được chia rẽ...
Hơn một ngày chống chọi giữa bão, điều kỳ diệu đã đến, lúc 1h ngày 29/10 khi tàu trôi dạt ở vị trí cách mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa) 333 km và cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) 277 km, được tàu Kiểm ngư tiếp cận, ứng cứu. Các thuyền viên được đưa qua tàu Kiểm ngư chăm sóc sức khỏe, cung cấp thức ăn, tàu được lai dắt về bờ. Trên đường vào đất liền, ba thuyền viên có kinh nghiệm được chuyển sang tàu kiểm ngư khác để hỗ trợ tìm kiếm 12 ngư dân mất tích.
"Nếu không gặp được tàu kiểm ngư, chúng tôi không biết số phận mình sẽ thế nào bởi chuyến biển lần này có cả con trai đi cùng", ông Hồ Lồng, 58 tuổi nói và cho hay rất buồn khi 12 đồng nghiệp cùng quê vẫn còn mất tích. Gần 30 năm đi biển, trải qua nhiều sóng gió nhưng tới giờ ông Lồng vẫn chưa thôi ám ảnh, khi vừa trải qua hơn 30 giờ đối mặt với lằn ranh sinh tử.
Gặp lại cha, anh Hồ Văn Thi (con trai ông Lồng), đang công tác tại Lữ đoàn 955, không kìm được cảm xúc. Thức trắng mấy ngày mong ngóng tin, Thi lao nhanh về phía cha và anh trai, rồi ôm siết hai người, hôn lên gương mặt nhăn nhúm của cha. Cả hai giàn giụa nước mắt sau nhiều ngày gặp lại.
Từ khi biết tàu của cha và anh trai bị nạn, Thi đứng ngồi không yên, cho tới lúc hay tin 2 người được tàu Kiểm ngư cứu. Suốt đêm qua không ngủ, Thi chỉ mong trời sáng thật nhanh để được gặp người thân. Đứng cạnh con, ông Lồng nói lắp bắp "cha và anh đã về", rồi cả ba trò chuyện, hàn huyên đủ điều.
Dáng vẻ mệt mỏi, đôi mắt trũng sâu, ngư dân Nguyễn Văn Thạnh, 46 tuổi, nói đã gọi điện về cho vợ báo mình về bờ an toàn. Hơn 20 năm trong nghề, ông Thạnh gặp nhiều sự cố, song lần này là nguy hiểm nhất. Ông cảm thấy tính mạng như "sợi chỉ mành treo chuông" khi giữa tâm bão tàu bị sóng đánh chòng chành, nhiều lần suýt lật.
Theo ông Thạnh, nghe thuyền trưởng Toàn báo tàu bạn bị nạn, mọi người đều đồng ý quay lại hỗ trợ, nhưng giữa bão lớn việc tìm kiếm trở nên bế tắc. "Mong 12 thuyền viên trên tàu đang mất tích cũng gặp may mắn như chúng tôi", ông Thạnh nói và cho hay sẽ nghỉ ngơi một thời gian, rồi tiếp tục nghề biển bởi đó là kế sinh nhai của mình.
Trung tá Nguyễn Văn Cường, chỉ huy đội tàu kiểm ngư tìm kiếm cứu nạn, cho biết lúc các tàu tìm kiếm ra đến vị trí tàu bị nạn, bão đã đổ bộ vào bờ. Tuy nhiên lúc này sóng biển vẫn rất to nên các tàu phải tính toán hướng tiếp cận đưa các thuyền viên lên tàu an toàn nhất. 14 thuyền viên khi lên tàu có dấu hiệu kiệt sức, được kiểm tra, chăm sóc sức khỏe hồi phục rồi mới đưa về bờ.
Trong bão Molave, ngoài hai con tàu gặp nạn kể trên, tỉnh Bình Định còn có tàu cá của ông Võ Ngọc Đô, ở thị xã Hoài Nhơn, chở 14 người bị chìm lúc 17h ngày 27/10, tại vị trí cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km. Suốt 48 giờ ôm bè gỗ lênh đên trên biển, khuya 29/10 ba thuyền viên trên tàu cá này được tàu hàng quốc tịch Hong Kong phát hiện, ứng cứu.
Theo Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Vùng 4 Hải quân (Khánh Hòa), hôm nay các tàu Hải quân cùng thủy phi cơ DHC-6 tiếp tục ra khu vực hai tàu cá chìm để tìm kiếm 23 người còn mất tích.
Xuân Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét