Toàn thua bốn trận đầu của giai đoạn II, và với phong độ hiện tại, nếu như tất cả các đội bóng đều đá cùng số trận, có khi HAGL còn kém cả đội xuống hạng về điểm số mùa này.
Không đủ cơ sở để cho rằng HAGL sẽ xuống hạng nếu như đá ở một mùa giải bình thường, nhưng nhờ thể thức thi đấu chia hai nhóm hiện nay, hoàn toàn có thể khẳng định: Đội bóng của bầu Đức không đủ chất lượng để tranh vô địch. Nói đơn giản hơn, lẽ ra chỗ của họ tại giai đoạn II là nhóm 6 chứ không phải nhóm 8.
Bốn trận toàn thua trước bốn đội bóng đang đua tranh chức vô địch là minh chứng sống động nhất. Tổng cộng, HAGL để thủng lưới đến 15 bàn và chỉ ghi được bốn bàn. Trong khi đó, cũng trước các đối thủ này ở giai đoạn một, HAGL lại kiếm được đến năm điểm với chiến thắng trước Quảng Ninh, hòa Viettel, Sài Gòn và chỉ thua Hà Nội trên sân Hàng Đẫy. Ngay cả điểm mạnh sân nhà Pleiku cũng không còn khi HAGL thua hai trận trước Sài Gòn FC và Hà Nội. Những gì HAGL đã làm trong giai đoạn II là mang gương mặt của một đội bóng yếu, hoàn toàn không xứng đáng với vị thế trong top 8.
So sánh với tân binh Hà Tĩnh, đội mà xét về thực lực, kinh nghiệm còn kém HAGL nhiều. Nhưng bốn trận đã qua của Hà Tĩnh là bốn "cuộc đấu" thực sự, không có một chút thái độ buông xuôi nào của thầy trò Phạm Minh Đức. Về mặt kết quả, thua ba và hòa một là phù hợp với một đội bóng mới thăng hạng như Hà Tĩnh, nhưng xét trên từng trận đấu, họ thể hiện một phong thái khác hẳn HAGL. Họ suýt nữa giành một điểm trên sân của Sài Gòn, sau đó cầm hòa Quảng Ninh rồi lần lượt buộc Hà Nội, Viettel phải cần đến những pha bóng mang tính chất đặc biệt thì mới kiếm được trọn ba điểm. Điều đáng nói Hà Tĩnh chỉ đá đúng một trận sân nhà (hòa Quảng Ninh), trận còn lại họ chọn đá ở Hàng Đẫy để "tiếp" Viettel do sân Hà Tĩnh không thể thi đấu vì ngập nước.
Nếu dựa theo những gì bầu Đức từng nói là "5 đánh 1" thì lẽ ra các trận đấu của Sài Gòn, Hà Nội và Quảng Ninh với HAGL mới khó khăn, còn với Hà Tĩnh thì phải nhẹ nhàng mới đúng. Ngược lại, Hà Tĩnh đá như thể đang phá sức của ba đội bóng nói trên. Lẽ ra, Quảng Ninh hiện tại đã 33 điểm, đứng nhì bảng thay vì 31 điểm chỉ vì bị Hà Tĩnh thủ hòa. Vì thế, việc HLV Vũ Tiến Thành "mỉa mai" HAGL cho rằng đây là "túi đựng điểm" của các đội bóng, không hẳn là sai. Vì tính đến lúc này, bao gồm cả nhóm 6 đội tranh trụ hạng, HAGL là đội duy nhất toàn thua.
Sự kỳ vọng vào "một vị thế khác" dành cho HAGL đã nhanh chóng vụn vỡ. Ngay cả quan điểm "đá đẹp mà thua cũng được" của bầu Đức cũng chẳng còn giá trị bởi các các thất bại của HAGL vừa qua đều mang tính toàn diện, từ lối chơi đến tinh thần. Nó chắc chắn là không đẹp, mà còn gây ra các vấn đề rất khó chịu cho những người điều hành bóng đá Việt Nam. Với các nhà tổ chức V-League, một đội bóng mà chỉ "đá cho vui", thua tan tác như vậy là một chi tiết tiêu cực về mặt hình ảnh. Với VFF, họ cũng rơi vào tình huống khó xử nếu như HLV Park Hang-seo tiếp tục gọi nhiều cầu thủ HAGL vào đội dự tuyển khi V-League kết thúc. Đành rằng cầu thủ HAGL đa số được yêu mến, hiền lành nhưng đơn thuần về chuyên môn thì những cầu thủ chơi bóng ở một đội thiếu khao khát vô địch, luôn phải đá để trụ hạng, thì liệu họ có còn giữ được các phẩm chất tốt nhất hay không? Ít nhiều thì sự đồng thuận sẽ không thể nhiều như trước.
Không cần so sánh với Hà Nội FC hay Viettel, những đội bóng có đông đảo tuyển thủ quốc gia, cứ nhìn sang Quảng Ninh sẽ thấy sự buông xuôi của HAGL không mang nhiều điều tích cực. Hết giai đoạn một, Quảng Ninh cũng thay đổi nhân sự như việc HAGL đổi HLV, tưởng là họ cũng sẽ "đá cho vui" nhưng thực tế thì đội bóng đất Mỏ lại đang có cơ hội tạo ra một thành tích vô tiền khoáng hậu, không chỉ với bóng đá Việt Nam mà cả làng cầu thế giới: Họ có thể trở thành nhà vô địch Việt Nam mà chưa từng đứng ngôi số một.
Dù đang đứng thứ tư, là đội yếu thế nhất trong cuộc đua vô địch, nhưng lợi thế của Quảng Ninh là sẽ đối đầu với ba đối thủ xếp trên ở ba vòng cuối. Với số điểm hiện nay, rất khó có khả năng để đội bóng do HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt vươn lên vị trí dẫn đầu ở hai vòng đấu kế tiếp. Nhưng trong trường hợp họ đánh bại cả Sài Gòn (vòng 5 - giai đoạn II) và Viettel (vòng 6) thì chính trận đấu với Hà Nội FC trên sân Cẩm Phả ở vòng cuối cùng sẽ là "chung kết". Như vậy, thắng Hà Nội FC thì Quảng Ninh sẽ vô địch mà chẳng cần phải xếp đầu bảng suốt cả mùa giải.
Quảng Ninh hoàn toàn có thể làm được chuyện "động trời" ấy mà chưa cần đến giả thuyết "5 đánh 1". Rõ ràng, ở bốn trận vừa qua, đội bóng duy nhất được xem "cùng nhóm" chính là Hà Tĩnh, lại lấy điểm của họ, trong khi Quảng Ninh giành thắng lợi trước TP HCM, Bình Dương, HAGL - các đội bóng mà họ chỉ kiếm đúng một điểm suốt giai đoạn I. Hà Tĩnh cũng là đội duy nhất từng đánh bại Quảng Ninh ngay tại Cẩm Phả mùa này. Sự tiến bộ và thái độ thi đấu của Quảng Ninh chính là điểm đáng chú ý nhất của giai đoạn II, kể cả khi họ không thể tạo ra kỳ tích để lên ngôi vô địch.
Nếu như HAGL cũng đá như Quảng Ninh thì V-League sẽ còn hấp dẫn nhiều hơn nữa. HAGL đã trụ hạng từ sớm, có đủ sự thoải mái để chơi các trận đấu "đẹp và thắng", nhưng họ không làm hoặc có thể là không đủ khả năng để làm. Họ tự vẽ ra cho mình một con đường, và đơn độc đi trên đó. Khác hẳn với cách mà Hà Nội FC tự đặt mình vào thế bám đuổi đối phương do những khởi đầu không tốt ở giai đoạn I. Nhưng, chính trong tâm thế của một con mãnh thú bị tổn thương lòng kiêu hãnh, bản lĩnh của nhà vô địch lên tiếng ở các thời khắc quan trọng. Họ càng chơi càng hay, càng bị sức ép càng trở nên thanh thoát, nhịp nhàng. Và nếu Hà Nội vô địch một lần nữa, thì đơn giản vì họ quá mạnh.
Để ngăn cản họ lúc này, phải là nững đội bóng có khát khao chiến thắng lớn hơn, như Viettel hay Quảng Ninh.
Song Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét