Mạng lưới quan trắc thời tiết đến 60% thủ công, phải dựa vào năng lực của quan trắc viên dẫn đến tỷ lệ dự báo chính xác không cao, chậm nhịp.
Tại hội thảo "Công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai thời kỳ công nghệ số", do Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức sáng 2/10 ở Hà Nội, TS Đỗ Huy Dương, Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn, cho biết mức độ tự động hóa trên toàn mạng lưới quan trắc ở Việt Nam là 40%, chưa đạt mục tiêu của Chính phủ 80%.
Đài khí tượng Tây Bắc chỉ có 4 thiết bị tự động, đồng bằng Bắc Bộ có 7. Cả hai khu vực chỉ có 9 thiết bị đo nhiệt độ không khí tự động. Trong 9 đài khí tượng thì 7 đài chưa có thiết bị đo thời gian nắng. Đài Nam Bộ là đơn vị duy nhất trên cả nước được trang bị 4 thiết bị đo sóng trong quan trắc hải văn.
Đài Khí tượng thủy văn Tây Bắc có mức độ tự động hóa chỉ hơn 28%. Khi mưa lũ, đường sá chia cắt, sóng di động mất liên lạc, kết quả quan trắc không thể cập nhật về đài. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động ở đây cũng gặp khó, do cần đường điện, đường truyền mạng - những thứ còn thiếu thốn ở miền núi.
TS Dương lấy ví dụ, việc quan trắc nước sông, hồ ở Việt Nam vẫn đang làm theo cách quan trắc viên dùng bốn chai gắn quả nặng lấy nước, rồi chuyển mẫu nước về phòng thí nghiệm để đưa ra kết quả. Còn các nước có máy đo tự động, cho kết quả hiển thị trực tiếp.
So sánh với các nước, ông Dương dẫn chứng Nhật Bản có 1.300 trạm quan trắc thì 1.200 trạm tự động (92%), không có quan trắc viên. Khoảng cách phân bố trung bình của hệ thống trạm trên toàn quốc khoảng 17 km. Các đài Hong Kong, Hàn Quốc đều có tỷ lệ tự động hóa lớn, số liệu được truyền về gần như liên tục nên công tác dự báo, cảnh báo sẽ sát với thực tế hơn.
Theo TS Dương, tỷ lệ trạm quan trắc thủ công lớn dẫn tới phụ thuộc nhiều vào năng lực của quan trắc viên, quá trình gửi mẫu và tính toán có thể phát sinh nhiều nhiều sai sót. "Không có hệ thống quan trắc tự động chúng ta vẫn đưa ra được dự báo, nhưng tỷ lệ chính xác không cao và thường chậm nhịp hơn khoảng một giờ chứ không thể cập nhật liên tục theo thời gian thực", ông Dương nói.
Đánh giá về mức độ tự động hóa các trạm quan trắc, GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, cho rằng so với các nước tiên tiến như Nhật Bản, khối EU, mật độ trạm quan trắc ở Việt Nam chưa đảm bảo, đa phần vẫn thủ công.
"Ở Hà Nội, ta có thể cảnh báo trước 30 phút khi có các cơn mưa giông do có các trạm quan trắc tự động liên tục. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành khác chưa thể cảnh báo như vậy trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn", GS Thục nói.
Để nâng cao tỷ lệ tự động hóa, theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngoài nguồn vốn từ nhà nước cần huy động các nguồn lực xã hội. Nhiều ngành nghề, tỉnh thành có nhu cầu sử dụng thông tin thời tiết, họ có thể xây dựng các trạm quan trắc của mình.
"Cơ quan chuyên môn của nhà nước cần kết nối các hệ thống này và thu thập dữ liệu. Cách này giảm tải áp lực cho ngân sách và nhanh chóng mở rộng mạng lưới quan trắc", ông Khiêm nói.
Theo Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cả nước có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; 180 trạm/điểm đo môi trường.
Mạng lưới trạm khí tượng cao không với 6 trạm thám không vô tuyến; 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học; 3 trạm đo tổng lượng ozon - bức xạ cực tím và 10 trạm radar thời tiết; 18 trạm định vị sét; 1 trạm thu nhận vệ tinh Himawari-8; gần 2.000 trạm đo mưa tự động từ nhiều nguồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét