Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Chiến dịch Biên giới thu đông 70 năm trước

Là cuộc tiến công quy mô lớn đầu tiên chống Pháp xâm lược, chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận chỉ đạo.

Sáng 2/10, hội thảo khoa học quốc gia "Chiến dịch Biên giới thu đông 1950 - tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử" được Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Quốc phòng, đã lược lại những dấu mốc quan trọng của chiến dịch.

Do thất bại trong kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh", từ năm 1948, thực dân Pháp thay đổi chiến lược, chuyển sang "đánh kéo dài", đẩy mạnh âm mưu "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".

Đến giữa năm 1949, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Rơve (do tướng G.Revers, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đề xướng), đẩy mạnh củng cố hành lang Đông - Tây, mở rộng chiếm đóng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, củng cố tuyến phòng thủ biên giới Đông Bắc, thực hiện âm mưu khóa chặt biên giới Việt - Trung.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Quốc phòng tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Thuỳ

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Quốc phòng phát biểu tại hội thảo ngày 2/10. Ảnh: Hoàng Thùy

Yêu cầu chiến lược của Việt Nam lúc này là phải phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của Pháp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công phòng tuyến của địch trên đường số 4, tập trung vào Cao Bằng - Thất Khê.

Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy; đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy; Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng.

Với quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược quan trọng này, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghiên cứu tình hình, phê chuẩn kế hoạch tác chiến, chỉ đạo các ngành ở Trung ương và địa phương phục vụ tiền tuyến và phối hợp chiến trường trên toàn quốc.

"Đây là chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo, động viên bộ đội chiến đấu và cũng là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; thực hiện quyết tâm chỉ có thắng, không có bại", trung tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, chiến dịch Biên Giới, ngày 16/9/1950. Ảnh: Vũ Năng An - nhiếp ảnh riêng của Bộ Tổng Tư lệnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Ciến dịch Biên giới, ngày 16/9/1950. Ảnh: Vũ Năng An - nhiếp ảnh riêng của Bộ Tổng Tư lệnh.

Theo ông Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng phê chuẩn phương án tác chiến trong Chiến dịch Biên giới.

Chiến dịch gồm 4 bước: Đánh Đông Khê; đánh quân chi viện của địch lên Đông Khê; đánh Thất Khê; đánh Cao Bằng. Lúc đó, Hồ Chủ tịch chỉ ra điểm mạnh của thực dân Pháp tại mặt trận Cao Bắc Lạng là gồm nhiều tiểu đoàn Âu Phi, lại có công sự kiên cố. Điểm yếu là đồn bốt đóng theo tuyến đường dài, nếu bị đánh gãy một đoạn thì các vị trí sẽ bị cô lập.

Ngày 9/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ kêu gọi đồng bào Cao Bắc Lạng giúp đỡ bộ đội để giành thắng lợi. "Trước ngày diễn ra trận đánh Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 296 và giao nhiệm vụ phải đánh thắng trận mở màn của Chiến dịch Biên giới", ông Quang nói.

Tham gia chiến dịch Biên giới thu đông 1950 với vai trò phái viên của Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh, đại tá Nguyễn Bội Giong cho biết khi đó được giao hai nhiệm vụ. Một là cùng cán bộ tham mưu của Bộ Chỉ huy chiến dịch theo dõi, nghiên cứu tình hình tác chiến để làm báo cáo tổng hợp lên Bộ Chỉ huy chiến dịch. Hai là giúp truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Chỉ huy chiến dịch cho các đơn vị.

Ngoài ra, ông còn cùng bảo vệ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc hành quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Thái Nguyên lên Cao Bằng và tiếp tục phục vụ trong những lần Hồ Chủ tịch xuống thăm các đơn vị đang tác chiến và khi nói chuyện với các sĩ quan Pháp bị bắt làm tù binh ở Thất Khê.

Khi trực tiếp chỉ huy chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hơn 60 tuổi. Người đi từ Thái Nguyên lên Cao Bằng, ở lại Sở Chỉ huy chiến dịch một buổi rồi đến ngay một số khu vực để cùng các lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và lãnh đạo địa phương xem xét tình hình, thống nhất với Bộ Chỉ huy chiến dịch để chỉ đạo tác chiến.

"Tôi nhớ Bác trèo lên vị trí quan sát đã được chuẩn bị sẵn để có thể nhìn rõ cứ điểm Đông Khê. Chúng tôi rất lo không được an toàn, nhưng Bác nói: Các đồng chí yên tâm, Bác từ Thải Nguyên lên đây còn đi được nữa là trèo lên một đoạn cao để có thể trực tiếp nhìn thấy cứ điểm", ông Giong kể.

Dùng ống nhòm nhìn rõ lá cờ tam tài của Pháp ở Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chỉ Minh nói: "Các chú phải hạ lá cờ đó xuống".

Đại tá Nguyễn Bội Giong phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia Chiến dịch Biên giới thu đông 1950

Đại tá Nguyễn Bội Giong phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia Chiến dịch biên giới thu đông 1950 sáng 2/10. Ảnh: Hoàng Thùy

Ngày 16/9/1950, quân đội Việt Nam với lực lượng áp đảo đánh vào cụm cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch biên giới. Sáng 18/9, Đông Khê bị thất thủ, quân địch bị dồn vào thế nguy khốn: Thất Khê bị uy hiếp, thị xã Cao Bằng bị cô lập, hệ thống phòng ngự trên đường số 4 lung lay.

Mất Đông Khê, quân Pháp được lệnh rút khỏi Cao Bằng theo đường số 4, quân Pháp ở Thất Khê được lệnh tiến đánh Đông Khê để đón cánh quân từ Cao Bằng rồi cùng rút về xuôi.

Địch rơi vào thế trận đã giăng sẵn của quân đội Việt Nam. Phương châm "đánh điểm, diệt viện" đã phát huy hiệu quả.

Theo PGS Lý Việt Quang, chiến dịch đã diễn ra đúng như dự liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Để động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân, ngày 20/9/1950, hai ngày sau thắng lợi của trận mở màn Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, thăm hỏi bộ đội bị thương.

Khi được tin quân Pháp rút khỏi Cao Bằng và binh đoàn Lơ Pagiơ lên cứu viện bị bộ đội vây chặt ở khu vực Cốc Xá, ngày 6/10/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên chiến sĩ đang tham gia chiến dịch: "Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch để giành lấy toàn thắng".

Ngày 7/10/1950, binh đoàn Lơ Pagiơ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chiến đấu liên tục, một số cán bộ, chiến sĩ muốn được nghỉ ngơi một ngày rồi tiếp tục tiến đánh binh đoàn Sáctông ở Cao Bằng về. Nhận rõ cơ hội và thời gian đóng vai trò rất quan trọng, để động viên bộ đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Ta mệt một, địch mệt gấp năm, gấp bảy lần. Lúc này là thời cơ tốt nhất để diệt địch".

Ngày 8/10/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến các chiến sĩ biểu dương tinh thần vượt khó giành thắng lợi trong những ngày qua và khuyên nhủ: "Các chú đã hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sáctông nhé".

"Với đường lối chỉ đạo chiến lược cùng sự quan tâm sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch Biên giới thu được những kết quả tốt đẹp, các chiến sĩ đã không quản mệt nhọc, nhanh chóng cơ động tiếp tục diệt gọn binh đoàn Sáctông, làm nên thắng lợi lớn", PGS Quang nói.

Chiến dịch Biên giới 1950 diễn ra trong 29 ngày (16/9-14/10/1950). Quân đội Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch (có 8 tiểu đoàn Âu - Phi, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược của Pháp ở Đông Dương), diệt và bắt 8.296 tên (trong đó có toàn bộ ban chỉ huy đồn Đông Khê và các ban chỉ huy binh đoàn Lơ Pagiơ, binh đoàn Sáctông), thu hơn 3.000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc.

Tính chung cả nước, trong cuộc tiến công Thu Đông năm 1950, quân và dân ã tiêu diệt gần 12.000 địch, hạ và bức rút 217 vị trí, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn khoảng 4.000 km2 với 400.000 dân, trong đó có 5 thị xã (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Hoà Bình) và 17 thị trấn.

Hoàng Thùy

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét