Ngày 2/10, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, trả lời VnExpress sau bức xúc của phụ huynh về chương trình lớp 1.
- Sau gần một tháng học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều phụ huynh than phiền chương trình quá "nặng", gây căng thẳng cho học sinh. Là tổng chủ biên chương trình, ông giải thích thế nào?
- Tôi ngờ rằng nhiều phụ huynh và cả thầy cô đang lẫn lộn giữa chương trình với sách giáo khoa. Mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Muốn thế thì theo chương trình nào cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình mới không thể thêm chữ nào, vần nào vào tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ.
Một số người đặt vấn đề chương trình cũ chỉ có 10 tiết Tiếng Việt một tuần trong khi chương trình mới có 12 tiết, nặng hơn 2 tiết. Tôi khẳng định việc tăng số tiết không làm nặng hơn mà làm nhẹ việc học đi. Tăng tiết là để giảm tải, bởi đằng nào cũng phải học 29 chữ cái và khoảng 140 vần mà mỗi tuần chỉ học 10 tiết thì hết sức căng thẳng.
Với chương trình cũ, nói là 10 tiết Tiếng Việt một tuần, nhưng không ai có thể dạy xong trong 10 tiết cả. Tôi đã đi hầu hết tỉnh thành để tập huấn giáo viên, mỗi lớp tập huấn 500-800 người. Tôi hỏi thầy cô nào dạy sách Tiếng Việt 1 cũ đúng 10 tiết một tuần thì giơ tay. Không cánh tay nào giơ lên. Lúc đó tôi mới nói là "đúng" vì nếu ai dạy được quyển sách ấy chỉ trong phạm vi 10 tiết một tuần thì chắc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải mời các thầy cô đi phổ biến kinh nghiệm toàn quốc. Thực tế, giáo viên dạy luôn phải lấy thêm giờ Sinh hoạt lớp hay Đạo đức, thậm chí Tự nhiên và Xã hội để dạy học sinh tập viết thêm.
Theo chương trình và sách giáo khoa cũ, trong một giờ dạy, thầy cô phải làm tới 6 việc: dạy chữ (hoặc vần), hướng dẫn học sinh tập đọc, luyện nghe, luyện nói, tập viết chữ vào bảng con và vào vở. Nhờ chương trình mới tăng thêm 2 tiết, các hoạt động trong một tiết giảm đi.
Chẳng hạn với sách Tiếng Việt Cánh Diều do tôi làm chủ biên, mỗi tuần học sinh có một tiết luyện nói dưới hình thức kể chuyện và hai tiết luyện viết vào vở. Trong hai tiết (70 phút) dạy chữ (vần), học sinh chỉ còn thực hiện bốn hoạt động là học chữ (vần), tìm chữ (vần) mới học trong bài, tập đọc và tập viết vào bảng con. Sự thay đổi này tạo điều kiện để cô dạy, trò học thong thả hơn.
Cũng theo chương trình mới, giáo viên được quyền quyết định thời lượng dạy học. Ví dụ, trong sách Cánh Diều, mỗi bài học chữ (vần) được dạy trong 2 tiết. Nếu học sinh chưa nắm chắc bài, giáo viên có thể dạy 3 tiết. Sách có "phần mềm" để co giãn là 64 tiết ôn tập. Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả "phần cứng" là các bài học chính và "phần mềm" là các bài ôn tập này. Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành các bài học chính. Giáo viên hoàn toàn không cần phải vội "chạy" cho hết bài.
- Ông nói chương trình mới không nặng hơn, nhưng tại sao mới học được một tháng, học sinh lớp 1 của nhiều trường đã học gần hết bảng chữ cái, trong một buổi học mà phải học cả dấu lớn, nhỏ?
- Mới học một tháng mà đã học gần hết bảng chữ cái là do phân bổ chương trình trong sách giáo khoa, chứ không phải chương trình môn Tiếng Việt quy định như vậy. Chương trình môn học chỉ quy định yêu cầu cần đạt về các kỹ năng đọc - viết - nói và nghe. Chẳng hạn, một trong những yêu cầu về kỹ thuật đọc khi kết thúc lớp 1 là phải đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn, tối đa 130 tiếng (ta vẫn quen gọi là chữ). Tốc độ đọc khoảng 40-60 tiếng trong một phút.
Ở môn Toán hay các môn học khác, chương trình chỉ xác định nội dung cần dạy và các yêu cầu đầu ra, chứ không quy định từng tuần phải học cái gì. Việc sắp xếp nội dung để đạt được yêu cầu đầu ra của chương trình là tùy vào từng sách giáo khoa. Như ở 5 cuốn Tiếng Việt 1 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, bộ sách Cánh Diều dạy đến hết tuần 26 mới xong hết các chữ và vần, nhưng cũng có sách dạy đến tuần 18, tức là hết học kỳ I, đã xong rồi.
Việc dạy hết chữ và vần trong học kỳ I xuất phát từ thiện chí cho học sinh biết đọc, biết viết sớm để còn học các môn khác. Phân bổ chương trình như vậy có thể nặng, nhưng tôi tin là tác giả sách có giải pháp để thực hiện. Riêng tôi thì cho rằng cả năm học mới phải dạy hết bằng đó chữ thì đi đâu mà vội?
Ngoài ra, việc học nhẹ hay nặng một phần do cách dạy của giáo viên. Vừa rồi, tôi giúp giáo viên một số nơi xây dựng giáo án chuyên đề. Tôi giật mình khi thấy giáo viên tự ý nâng cao chương trình. Ví dụ, sách giáo viên hướng dẫn thầy cô đánh số thứ tự từng câu trong bài đọc, rồi cho học sinh đọc từng câu, nhưng thầy cô lại yêu cầu học sinh trao đổi với nhau để xác định xem bài tập đọc có mấy câu. Làm sao học sinh lớp 1 có thể trả lời được câu hỏi này? Dạy như vậy vừa quá sức học sinh vừa làm mất thời gian cần cho những việc quan trọng hơn.
Hay như yêu cầu về hiểu, cho đến hết phần Học vần, học sinh lớp 1 chỉ cần làm một câu trắc nghiệm để xem có hiểu bài không thôi vì chưa biết chữ nhiều, nhưng có giáo viên thêm câu hỏi tự luận thì học sinh hay cả phụ huynh thấy khó là phải.
Trong một lớp có em đọc trơn được, có em còn phải đánh vần, có em gặp khó khăn cả đọc lẫn viết là chuyên bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.
- Các sách giáo khoa phân bổ chương trình khác nhau, có sách thiết kế theo kiểu quá dồn ép kiến thức nhưng vẫn vượt qua thẩm định. Ông nghĩ sao về việc này?
- Hội đồng thẩm định sách giáo khoa gồm các nhà khoa học, nhà giáo rất am hiểu lĩnh vực chuyên môn. Trong hội đồng phải có tối thiểu 30% thành viên là giáo viên trực tiếp dạy môn học có sách được thẩm định. Do đó, sách được thông qua đã phù hợp với yêu cầu của chương trình và thực tiễn dạy học.
Tuy nhiên, mỗi sách có quan điểm biên soạn, đặc điểm riêng, phù hợp với những đối tượng riêng. Các cơ sở giáo dục cần lựa chọn sách phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy và học của địa phương mình.
Tôi tin là thầy cô có kinh nghiệm chỉ cần đọc qua quyển sách là biết có phù hợp với học sinh của địa phương mình không, có dạy được không. Nếu trong việc chọn sách giáo khoa, các cơ quan quản lý thật sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến thầy cô thì chắc chắn sách sẽ đi vào thực tế "ngon lành".
- Tại sao việc tập viết ở chương trình Tiếng Việt mới không được chú trọng?
- Chương trình lớp 1 mới không phải không coi trọng mà không đặt quá cao yêu cầu tập viết. Theo quy định, thời gian học đọc là 60%, viết chỉ 25%, còn lại là dành cho việc rèn các kỹ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, nhiều trường chú trọng quá mức việc dạy trẻ tập viết. Trường nào cũng lấy "vở sạch chữ đẹp" làm tiêu chí thi đua, khiến giáo viên bị áp lực.
Nhìn sang nước ngoài, phần lớn các nước Âu, Mỹ không dạy tập viết hoặc không bố trí nhiều giờ tập viết vì họ quan niệm việc đọc quan trọng hơn, viết sau này chủ yếu sử dụng máy tính. Mình thì không thể làm như vậy, vì từ xa xưa đã quan niệm "nét chữ, nết người". Quan niệm vậy là đúng bởi tập viết dạy cho trẻ tính cẩn thận, kiên nhẫn, óc quan sát, thẩm mỹ. Nhưng quá chú trọng vào viết chữ, bắt học sinh luyện viết thật nhiều thì sẽ làm cả thầy lẫn trò vất vả.
Chuyện học, chuyện viết là chuyện cả đời. Tôi trước đây chữ rất xấu nhưng rồi cố gắng tự luyện và giờ viết rất đẹp. Tôi nghĩ học sinh lớp 1 biết đọc biết viết là đã đạt mục tiêu. Việc viết đẹp hay xấu do quá trình tự rèn luyện sau này. Nhà trường, giáo viên, phụ huynh không nên tạo quá nhiều áp lực khiến con căng thẳng hơn.
- Nhiều phụ huynh phản ánh sách giáo khoa hiện quá nhiều chữ, nếu không đồng hành cùng thì con sẽ không tiếp thu được. Tuy nhiên, bố mẹ và con là hai thế hệ cách xa nhau và rất khó dạy con học. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục cũng là nguyên lý cơ bản. Để phụ huynh đồng hành được cùng con, nhà trường phải hướng dẫn cụ thể. Phụ huynh không cần làm thay thầy cô mà nên quan tâm dạy con ngoan ngoãn, sống có nề nếp, có ý thức tự học và cũng nên kiểm tra xem con đã hiểu bài chưa. Người nào có điều kiện hướng dẫn con học thì càng tốt.
Các ông bố bà mẹ có con học lớp 1 thường quan tâm sát sao việc học của con. Nhưng các vị cũng hiểu trẻ con mới học quên chữ là bình thường. Nếu thấy con chậm biết đọc biết viết quá thì cũng cần trao đổi với thầy cô, tìm biện pháp nhẹ nhàng giúp đỡ, chứ không nên "ốp" con học đến đêm khuya, rồi la mắng, khiến con sợ hãi.
- Chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với lớp học quy mô không quá 35 học sinh nhưng ở nhiều nơi, mỗi lớp thậm chí có tới hơn 50 cháu. Theo ông, giải pháp trong trường hợp này như thế nào?
- Sĩ số quá đông là một trong những nguyên nhân hạn chế chất lượng giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi học sinh phải thực hành nhiều. Để giáo viên quan tâm hướng dẫn được từng học sinh thì quy mô lớp học phải nhỏ. Điều này thể hiện rõ khi so sánh trường tư thục chỉ 20-30 học sinh một lớp với những trường công lập ở đô thị có đến 45-50 học sinh một lớp.
Chính quyền địa phương cần đảm bảo sĩ số như quy định. Tiền có, đất có, tại sao không xây thêm trường, thêm lớp cho học sinh? Trách nhiệm của chính quyền là phải đồng hành với ngành giáo dục chứ không thể cứ buông cho ngành giáo dục loay hoay rồi lại kêu ca về chất lượng.
- Tại buổi họp báo quý III hôm 30/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chương trình có thể được điều chỉnh trong quá trình triển khai. Việc điều chỉnh này sẽ được thực hiện ra sao?
- Chương trình mới có một mục quy định về việc phát triển chương trình. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ vào tình hình triển khai thực tế, các kết quả nghiên cứu, ý kiến đóng góp của chuyên gia và các tầng lớp nhân dân để điều chỉnh chi tiết của chương trình. Công việc này sẽ được tiến hành thường xuyên, tránh tình trạng để 20 năm chương trình không sửa một chữ nào, xong đùng một cái là xin phép Chính phủ, Quốc hội cho đổi hoàn toàn.
Chương trình các nước cũng vẫn điều chỉnh thường xuyên. Nhưng không phải cứ có một số ý kiến là điều chỉnh ngay, mà phải có nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét