Có người thích, có người ghét, nhưng Pep Guardiola luôn cố gắng thành thật, giữ khoảng cách và đòi hỏi cao nhất ở các cầu thủ của ông.
"Hàng ngày, mỗi buổi tập, thậm chí cả khi khởi động, khi chơi trò rondo, ông ấy thật sự chế ngự bạn", Marc Bartra trả lời khi được The Athletics hỏi về việc thi đấu dưới trướng nhà cầm quân người Catalonia. "Ông ấy không muốn bỏ qua bất cứ chi tiết nào. Sau cùng, bạn phải cống hiến một trăm phần trăm khả năng và tập trung toàn tập. Rồi ông ấy nói và giải thích, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm theo lời ông ấy. Và nó thật sự diễn ra như vậy. Đó là người có tầm nhìn tinh tường. Và thật sự khiến cầu thủ tiến bộ rất nhiều".
Với hai năm làm việc cùng Guardiola ở Barca (2010-2012), hậu vệ người Tây Ban Nha đúc kết: "Rất khó nắm bắt, bởi Guardiola là người phức tạp".
Đó không chỉ là cảm nhận của riêng Bartra. Rất khó để một cầu thủ biết họ có vai trò gì trong mắt Guardiola. Không chỉ trên sân bóng. Joshua Kimmich - ngôi sao trẻ được chính Guardiola đôn lên đội một Bayern - có lần nói anh thường bị đau đầu khi rời sân tập, vì mức độ chỉ đạo chiến thuật của Guardiola.
Và cũng rất khó để biết liệu Guardiola đang vui hay buồn, hoặc ông có hài lòng với mức độ đóng góp của cầu thủ hay không.
HLV người Catalonia thường lơ đễnh đi bộ một mình ở hành lang khu tập luyện của Man City. Và rồi, khi đi hết khuôn viên màu xanh, đột nhiên ông bùng lên một cảm xúc gì đó. Một cái ôm hoặc thậm chí một nụ hôn, khiến người đối diện rũ bỏ lo lắng để tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ trên sân: Giành chiến thắng.
"Có những lúc trông ông ta lạnh lùng và khắc khổ", tác giả Marc Perarnau viết trong cuốn sách có tên "Pep Guardiola: Một cuộc cách mạng". "Và không phải lúc nào ông ấy cũng biết cách cân bằng giữa hai thái cực đó".
Cuốn sách này được viết từ giai đoạn Guardiola chưa dẫn dắt Man City, nhưng những gì xảy ra sau đó cũng chính xác như vậy.
Chơi bóng dưới quyền Guardiola không chỉ phụ thuộc việc bạn là Xavi hay Zlatan Ibrahimovic, là Gerard Pique hay Aymeric Laporte, thậm chí Dani Alves của năm 2008 hay Dani Alves của năm 2012.
Dù cầu thủ có hoàn toàn đi theo phong cách Guardiola, vấn đề vẫn là họ làm như thế được bao lâu. Cách tiếp cận trận đấu với cường độ cao của ông có xu hướng làm các học trò kiệt sức chỉ sau vài năm. Mỗi năm Guardiola lại thay đổi một chút để phù hợp với từng thời kỳ, và cố duy trì khoảng cách với các cầu thủ, đặc điểm ngày càng dễ nhận thấy hơn ở các đội bóng của ông gần đây.
"Tôi cố không quá thân với họ, vì tôi không muốn họ nghĩ các mối quan hệ cá nhân ảnh hưởng đến việc liệu họ được ra sân hay không", Guardiola nói với Perarnau khi còn dẫn dắt Bayern. "Tôi phải đưa ra quyết định và không muốn cảm xúc lấn át các quyết định của mình".
Những người hiểu Guardiola nhất đều biết có chút khác biệt trong các mối quan hệ cá nhân của ông ở Man City so với thời còn ở Barca và Bayern. Mức độ trung dung hơn. Guardiola cố gắng vừa xây dựng phong cách bóng đá của mình, vừa đảm bảo lòng trung thành ở một số thành viên đội bóng. Sự chuyển đổi từ hai thái cực khiến đôi khi cầu thủ cảm thấy xa cách với HLV, rồi thỉnh thoảng đột ngột cảm xúc thay đổi với những hành động không định trước của Guardiola. Nhưng cuối cùng, những gì Guardiola yêu cầu trên sân vẫn vậy, và mối quan hệ giữa ông với mọi người trong một số trường hợp vẫn rất bền chặt.
"Tôi tận hưởng thời gian được làm trung tâm lối chơi đội bóng, bởi tôi và Pep có cùng ý tưởng trong các trận đấu", Xavi nói một cách vắn tắt về sự kết nối mạnh mẽ giữa anh với Barca. "Tôi bước vào phòng thay đồ với ba vấn đề trong đầu và ông ấy nói đúng ba vấn đề ấy trong giờ nghỉ giải lao. Chúng tôi rất hiểu nhau".
Xavi và Guardiola đã gặp nhau nhiều lần trong những năm gần đây, minh chứng cho sự thân thiết giữa họ, từ thời Xavi còn làm cầu thủ dưới trướng ông ở Barca.
La Masia đào tạo ra những người đại diện cho xứ Catalonia, dành hầu như cả sự nghiệp ở Barca như Xavi, Victor Valdes, Carles Puyol, Gerard Pique, Andres Iniesta. Họ giống những mảng ghép được cắt ra từ cùng một tấm vải. Những đòi hỏi cao nhất của Guardiola nhanh chóng được các ngôi sao này nắm bắt và thực thi, bởi họ biết ông cũng là một người như họ, đôi khi như một người đồng đội cũ và thỉnh thoảng lại là một người bạn.
Điều này đóng vai trò quan trọng trong mùa cuối của Guardiola tại Barca. Khi đó, ông cảm thấy cần thay đổi đội hình để giữ sự tươi mới, nhưng lại không thể rời bỏ những người trung thành với ông từ những ngày đầu.
Perarnau tiết lộ rằng dù Guardiola chủ đích không thân thiết với cầu thủ Bayern, sau cùng "hàng rào bị hạ xuống" trong giai đoạn cuối của ông tại đây. Guardiola đã phát triển mối quan hệ qua lại dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau với đội bóng của mình, mà ông mô tả là "vô cùng bền chặt".
Philipp Lahm trở thành người thực thi triết lý của Guardiola tại Bavaria. Anh thậm chí vào tận văn phòng của HLV này tại trụ sở Sabener Strasse để hối thúc ông gia hạn hợp đồng khi Guardiola sắp hoàn tất giai đoạn đàm phán với City. "Tôi đã được chứng kiến những lần Pep hét lên: 'Tôi yêu cậu Philipp, tôi rất yêu cậu' trong một số dịp, khi ông ấy ôm người đội trưởng này và đặt vài nụ hôn lên má", Perarnau viết.
Không phải ai cũng được Guardiola hôn. "Guardiola thất vọng với tôi, bởi ông ấy không tôn trọng tôi", Mandzukic có lần nói. "Khi Jupp đến mọi việc tốt gấp đôi. Tôi sẽ ngồi café với Pep không à? Không bao giờ. Trong sự nghiệp của mình, tôi không có nhiệm vụ phải thích người truyền đi năng lượng tiêu cực, bởi tôi luôn cố gắng tránh những nguồn năng lượng đó".
Nó là một tiếng vọng của những chỉ trích nổi tiếng từ Ibrahimovic, một bằng chứng sống về việc Guardiola không phải lúc nào cũng muốn gắn bó với một cầu thủ có tài. Dù cuốn tự truyện của Ibrahimovic bị cho là phóng đại nhiều thứ, chân sút Thụy Điển có lần nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Guardiola cố tình lảng tránh anh trong phòng thay đồ Barca và đẩy anh khỏi Camp Nou.
Cuốn sách của Ibrahimovic dán nhãn "cầu thủ Barca là tập hợp của những cậu bé học phổ thông, khẳng định bạn phải ngậm miệng lại và biết vâng lời dưới quyền Pep". Có những yếu tố của sự thật trong đó nếu biết rằng một trong những thần chú trên sân tập của Guardiola là "không làm mặt xấu" và cầu thủ không tuân thủ hệ thống chiến thuật sẽ bị bỏ rơi, nhưng những người phản đối Guardiola ầm ĩ nhất như Ibrahimovic, Mandzukic, Yaya Toure và Samuel Eto’o có điểm chung là cá tính hơn mức bình thường.
"Ở Munich, nhiều kẻ chỉ trích nói rằng cách quản lý nhân sự của Pep là thiếu sự cảm thông, nhưng tôi chưa từng thấy như vậy", Jan Kirchhoff, cầu thủ từng đá dưới quyền Guardiola tại Bayern nói. "Tôi thấy ông ấy ấm áp và thông minh, một HLV đặt cả trái tim và tâm sức vào công việc. Trở về từ kỳ nghỉ Hè, ông ấy sẽ ôm bạn và kéo bạn ra buôn đủ thứ chuyện".
Jeffren, cầu thủ cũng thi đấu cho Guardiola ở Barca B và rồi lên đội 1, bổ sung: "Tôi luôn cảm thấy ông ấy muốn những điều tốt nhất cho tôi. Bất cứ khi nào cảm thấy tôi có thể cải thiện ở khía cạnh nào đó, ông ấy đều chia sẻ với tôi cũng như mọi cầu thủ khác. Đó là điểm khác biệt khiến ông ấy có một sự nghiệp HLV tuyệt vời như vậy. Ông ấy đam mê bóng đá và nếu bạn là cầu thủ chia sẻ niềm đam mê với ông ấy, hai bên sẽ hiểu nhau".
Marc Muniesa, người được Guardiola đôn lên đội một Barca, nói: "Ông ấy không quan tâm bạn 17, 20 hay 30 tuổi. Nếu thấy bạn có khả năng, ông ấy muốn khai thác tối đa khả năng đó".
Những cánh cửa luôn mở ở City. "Nếu cần nói chuyện với Pep, ông ấy mở cửa đợi bạn cả ngày và luôn là như vậy", Aleix Garcia, một thành viên City của mùa giải 2016-2017 kể. "Pep luôn nói: 'Tôi mở cửa 24/24, nếu ai có vấn đề gì cứ đến nói trực tiếp, chúng ta sẽ nói chuyện cùng nhau'".
Một vài thành viên City hiện vẫn không chắc về cách tốt nhất để tiếp cận được ông sếp của họ. Và đó có thể là hậu quả từ nỗ lực của Guardiola trong việc giữ khoảng cách với cầu thủ.
Một số cảm thấy quá phiền nên ngại rằng sẽ là thiếu khéo léo nếu mang vấn đề đến cho từ Guardiola, nên họ có xu hướng tìm ai đó không thuộc biên chế đội bóng để giãi bày. Hoặc họ tin rằng những băn khoăn đó không thật sự được giải quyết nếu được đưa lên văn phòng của HLV trưởng.
Guardiola vẫn giữ chút khoảng cách và không phải lúc nào cũng giải thích cho cầu thủ lý do họ bị loại khỏi đội hình khiến một số thấy bối rối không biết vấn đề nẳm ở đâu.
Rất khó để biết được từ Guardiola đang vui hay buồn nhưng rồi sẽ xuất hiện một cử chỉ làm biến chuyển mọi thứ. Chỉ có thể chắc rằng tâm trạng của Guardiola đã được giải thỏa ngay sau khi giận dữ, nếu thấy ông đi bộ đến sân với ai đó, tay trong tay, hào hứng chạy đến những bức tường gạch.
Những cuộc nói chuyện trực tiếp với Guardiola có thể trở thành một lần nhận lệnh, khi ông yêu cầu bạn nhận một nhiệm vụ mới, và phần còn lại của đội vẫn đang trên sân tập. Rất nhiều cầu thủ cảm thấy thích cách làm đó, và thấy bản thân được Guardiola tin tưởng.
Ilkay Gundogan là một cầu thủ City tự nhận là mang ơn Guardiola rất nhiều. Tiền vệ người Đức từng khóc nấc khi bị dứt dây chằng chéo trước đầu gối (ACL) năm 2016, nhưng được hồi sinh trong tay Guardiola. Anh từng sợ rằng thương vụ sang Man City sẽ đổ bể bởi các chấn thương trước đó, nhưng Guardiola đã gọi cho Gundogan vài lần để làm yên lòng tiền vệ này, và quả quyết anh là một phần trong các dự định của ông. Với tiền vệ người Đức, niềm tin nơi Guardiola rất quan trọng sự hồi phục của anh.
Guardiola thường chủ động gọi cho các mục tiêu chuyển nhượng tiềm năng để bày tỏ cách nhìn nhận về việc anh ta phù hợp với đội bóng của ông như thế nào. Guardiola đóng vai trò quyết định ở rất nhiều vụ chuyển nhượng tại Man City vài năm gần đây - điểm khác biệt so với cách thức vài năm trước, khi HLV của đội bóng chỉ chào hỏi qua loa lúc cầu thủ đặt chân đến City Football Academy rồi trở lại việc chính của họ. Với cách của Guardiola, ông và cầu thủ trở nên thân thiết trong nhiều năm, vì liên lạc thường xuyên qua tin nhắn, điều rất hiếm khi xảy ra dưới thời những người tiền nhiệm.
Guardiola rất kĩ trong việc xây dựng văn hóa mạnh mẽ trong tập thể, giúp họ gắn kết và chia sẻ quyết tâm làm việc chăm chỉ trong suốt mùa giải. Nhưng ông tham gia rất ít vào các vấn đề cá nhân của từng cầu thủ.
"Ông ấy thích như vậy", Garcia chia sẻ. "Khi tôi còn ở đó, Pep tổ chức tiệc nướng ngoài trời ba hay bốn lần, thỉnh thoảng chúng tôi đi xem phim cùng nhau. Trong các bữa tối hoặc những buổi sinh hoạt tương tự, ông ấy muốn đội bóng luôn đi cùng nhau theo cùng một cách. Pep thích thấy tập thể của ông ấy vui vẻ và đoàn kết".
Tại Bayern, Guardiola nói các cầu thủ có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn bên ngoài sân tập, tin rằng họ đều là người trưởng thành, chính sách tương tự như tại Manchester. Trong mùa giải thứ ba ở Bayern, ông mới cấm người ngoài đến trung tâm Sabener Strasse, điều không xảy ra ở City.
Guardiola thường không đến phòng thay đồ của Bayern trước khi trận đấu diễn ra, nhưng tại City, điều đó xảy ra thường xuyên.
"Ông ấy luôn ở phòng thay đồ", Garcia nói. "Thỉnh thoảng, Pep mang cả laptop vào làm việc ở phòng thay đồ. Ông ấy sẽ trao đổi một chút thông tin cá nhân với các cầu thủ. Có thể việc đó chỉ xảy ra với tôi khi tôi có mặt ở đó, vì tôi nghĩ, với những David Silva hay Kevin De Bruyne, Pep chẳng lặn lội đến tận nơi để nói chuyện, bởi họ đã là những cầu thủ hoàn hảo".
"Nhưng có thể với những gã trẻ hoặc tay mới như tôi thường được đối xử như vậy. Pep bảo tôi cứ thư giãn, cứ đá như cách tôi vẫn đá, hoặc hãy cẩn thận với tay này, bởi hắn ta thích chạy sang bên trái hoặc sử dụng chân phải, hoặc hãy lưu ý đến cách thức di chuyển. Nhưng bình thường, ông ấy bảo tôi cứ bình tĩnh mà tận hưởng. Pep thích dùng từ đó: Tận hưởng việc chơi bóng".
Có một đoạn phim tài liệu nói về việc Guardiola mang một video truyền cảm hứng vào chiếu cho cầu thủ Barca xem trước chung kết Champions League 2009 với Man Utd, một lý do khiến cầu thủ của ông dâng trào cảm xúc và khởi đầu trận đấu chậm trong 10 phút đầu tiên. Những lần sau đó, Guardiola tiếp tục sử dụng bài chiếu video như vậy nhiều lần nữa, nhưng kỹ thuật kích thích tinh thần học trò cũng trở nên đa dạng hơn.
Trước khi City gặp Real Madrid ở Champions League tháng 2/2020, ông mời Toni Nadal, chú và cựu HLV của ngôi sao tennis Rafa, đến nói chuyện với cầu thủ về tầm quan trọng của làm việc chăm chỉ và cách chiến thắng khi đối diện với nghịch cảnh. Và Garcia nói rằng những chiến thuật tâm lý như thế được Guardiola sử dụng thường xuyên.
"Tôi không dám chắc Pep luôn thúc đẩy cầu thủ như thế bởi trước mỗi trận đấu, mỗi tuần qua đi, ông ấy lại tìm ra một cách mới, một điều gì đó mới. Pep thích cho VĐV xem các video hoặc những chấn thương thay đổi cuộc sống để tạo động lực cho chúng tôi, hoặc những video về chính chúng tôi khi thi đấu", anh kể. "Không phải tuần nào cũng vậy, nhưng thỉnh thoảng khi kết quả thi đấu không tốt, hoặc có thể trước các trận quan trọng. Hoặc cũng có khi trước một trận gặp đội cửa dưới nào đó và Pep làm một cái gì đó như vậy, vì nghĩ rằng chúng tôi đang xao nhãng".
Đó là một cách cũng được áp dụng nhiều. Tại Barca và Bayern, Guardiola muốn đảm bảo rằng cầu thủ của mình đã sẵn sàng trước khi gặp các đội nhỏ, bằng cách dùng các video phân tích chi tiết để làm nổi bật lên rằng: Đối thủ sắp tới rất mạnh.
"Khi gặp Getafe hay Cologne, rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan", Guardiola nói trong cuốn sách "Cuaderno de Manchester" (Cuốn sổ ghi chép về Manchester), do hai ký giả Pol Ballus và Lu Martin chắp bút.
Trong mùa giải thứ ba ở Bayern, Guardiola mất 12 ngày phân tích 10 trận khác nhau của Benfica trước một trận đấu vòng đấu loại trực tiếp tại Champions League. Ông ngồi trong văn phòng lâu đến nỗi sau đó bị mỏi lưng và không đi lại được. Lần đầu tiên Guardiola phải nghỉ một buổi tập tại Bayern để bù lại có cái nhìn sát hơn về đối thủ từ Bồ Đào Nha, và rồi tạo ra một video dài 45 phút để học trò biết rõ mối nguy hiểm nào đang rình rập ở trận tới.
Suốt mùa đông đầu tiên trong giai đoạn dẫn dắt City, Guardiola cảm thấy những video phân tích đối thủ chi tiết như vậy chỉ khiến cầu thủ sợ hãi hơn. Vì thế, ông thay đổi cách làm, và cố tập trung nói cho học trò biết họ giỏi như thế nào, một thông điệp mà ông đã sử dụng hàng trăm lần trong các buổi họp báo.
Nhưng dù có bao nhiêu phương pháp gia tăng động lực đi nữa, những video phân tích vẫn luôn có vai trò quan trọng và sẽ luôn là như vậy. Nó giúp ích cho việc đề ra kế hoạch thi đấu và áp dụng kế hoạch đó vào thực tế.
"Chúng là những đoạn video ngắn", Garcia tiết lộ. "Có thể mỗi tuần có một video dài, thường chúng phân tích chi tiết về cách chơi của các đối thủ, nhưng các video thường ngắn, chỉ tối đa là 20 phút. Mỗi ngày chúng tôi lại biết thêm một chút thông tin".
Vô số cầu thủ kể rằng Guardiola đã nói trước cho họ kịch bản trận đấu, và rồi nó diễn ra y chang như vậy. "Ông ấy thường nói với chúng tôi rằng chuẩn bị cho các trận đấu cũng quan trọng như thi đấu vậy", Kirchhoff xác nhận. "Hầu hết HLV giỏi đều làm được điều đó, nhưng ông ấy làm tốt hơn một chút ở khía cạnh phân tích điểm yếu đối thủ và đề ra giải pháp cho trận đấu".
Dani Alves có một đúc kết nổi tiếng về cách truyền đạt sự tự tin cho cầu thủ của Guardiola. "Nếu Pep nói tôi phải nhảy từ tầng ba sân Camp Nou xuống đất, tôi cũng nhảy, bởi điều đó có nghĩa nó chắc chắn là một giải pháp tốt", anh nói trong bộ phim Take The Ball, Pass The Ball.
Guardiola làm điều đó như thế nào? "Thật ra khá dễ, nếu xem 4-5 trận đấu của đối thủ, bạn sẽ nhận ra cách thức triển khai lối chơi của họ", Domenec Torrent, cựu trợ lý của Guardiola, trả lời. "Khi xem thật nhiều các trận của đối thủ, bạn sẽ biết cách họ phản ứng trước các tình huống, vì thế bạn có thể nói để cầu thủ đề phòng: ‘Họ sẽ đá như thế này, khoảng trống xuất hiện ở bên trong, rồi sẽ có khoảng trống ở bên ngoài’. Khá dễ nếu làm việc chăm chỉ và xem thật nhiều các đoạn băng về đối thủ".
Những chi tiết nhỏ mà cầu thủ nhận được thường đơn giản, nhưng đơn giản lại làm nên khác biệt.
"Pep nghiên cứu đối thủ rất nhiều", Bartra nói. "Cách tổ chức một tuyến có bốn người phụ thuộc vào việc cầu thủ chạy cánh có thể đá ở cánh đối diện hay không, ví dụ người thuận chân phải đá ở cánh trái chẳng hạn. Nếu anh ta nhận bóng từ trung vệ, hậu vệ phải lùi xa hơn một chút vì anh ta sẽ thực hiện đường chuyền đầu tiên bằng chân phải. Nếu anh ta nhận bóng từ hậu vệ cánh, hậu vệ phải dâng cao khi cầu thủ thuận chân phải sẽ nhận bóng trong tư thế quay lưng về phía họ. Mỗi chi tiết nhỏ như vậy lại thay đổi kế hoạch chiến thuật đi một chút. Pep tập trung vào từng chi tiết nhỏ như vậy, điều mà tất cả chúng tôi chưa từng được trải nghiệm".
Cầu thủ trẻ trong đội sẽ được thử sức đóng vai cầu thủ quan trọng của đối phương. Ví dụ tại Đức, họ được yêu cầu mô phỏng lối đá của Julian Weigl hoặc Pierre-Emerick Aubameyang. Ở Man City, các cầu thủ trẻ biết họ vừa thể hiện tốt, khi được Guardiola gọi bằng tên, thay vì đầy đủ tên họ, mặc dù để đạt tới cảnh giới đó, họ sẽ mất hàng tuần hoặc hàng tháng.
Kirchhoff bổ sung: "Có rất nhiều chi tiết nhỏ tạo ra thay đổi lớn khi bạn tổng hợp chúng vào. Ví dụ, Pep cực kì đề cao việc bạn phải đứng đúng vị trí trước khi nhận một đường bóng, và phải chuyền bóng đúng vào chân thuận của cầu thủ nhận bóng, để tạo ra đúng nhịp điệu trong các đường chuyền".
"Ông ấy luôn giải thích rõ ràng. Tôi nhớ có lần Pep nhắc tôi kiểm soát các đường chuyền từ phía trái sân bóng bằng chân phải và chuyền lên phía trước cũng bằng chân phải nếu có đủ thời gian xử lý".
"Nghe hơi phức tạp, nhưng tôi đã từng cho rằng khống chế bóng bằng chân phải rồi chuyền đi bằng chân trái là cách chơi bóng nhanh nhất. Nhưng Pep giải thích rằng chuyền bóng bằng chân phải sẽ tốt hơn, vì nó tạo ra sự chủ động: Quả bóng xoáy ngược với phía đối diện và đi thẳng về sân đối thủ, đến nơi đồng đội đứng, hơn là buộc đồng đội của bạn phải dừng lại và kiểm soát nó trước khi thực hiện động tác tiếp theo. Chuyền bằng chân phải giúp tốc độ thi đấu cao hơn và mở ra nhiều khả năng tấn công hơn, trong khi chuyển bóng sang chân trái làm giảm nhịp độ trận đấu. Sự khác biệt là rất nhỏ và không dễ cảm nhận, nhưng chúng tôi thấy Pep nói đúng, và đó là một khoảnh khắc eureka của tôi".
Rất nhiều cầu thủ Bayern yêu mến Guardiola, vì ông khiến công việc của họ trở nên dễ dàng hơn. Ban đầu các ý tưởng có thể khó nắm bắt, nhưng cầu thủ cảm thấy cuối cùng, họ tiến bộ rõ rệt và phải dành lời khen dành cho HLV.
"Tôi thấy ấn tượng với khả năng điều chỉnh trong trận đấu của ông ấy, điều đó thật sự giúp ích cho chúng tôi rất nhiều", Kirchhoff bổ sung. "Đôi khi chúng chỉ là những chi tiết rất nhỏ, như định vị cầu thủ chạy cánh cao hơn và bó vào trung lộ hơn hoặc đẩy hai hậu vệ biên sâu vào hàng tiền vệ, nhưng lúc đó, chúng thật sự là những phát minh. Trong rất nhiều lần, chúng phát huy tác dụng, thật sự rất tuyệt vời".
Có thể một yếu tố quan trọng trong cách xây dựng mối quan hệ với cầu thủ của Guardiola là ông xem mỗi cầu thủ như một người thực hiện một chức năng nào đó hơn là vị trí thi đấu và kinh nghiệm của anh ta. Joe Hart là một thủ môn giỏi, nhưng không thích thay đổi phong cách. Franck Ribery không thể thi đấu ở vị trí số 10, vì đá cánh đã ăn sâu vào bản năng của anh, nhưng Arjen Robben lại có thể đá như một tiền đạo. Nó giúp giải thích vì sao những người như Riyad Mahrez và Joao Cancelo cần một năm để thích nghi tại Man City.
Có thể đó là lý do những người như Ibrahimovic cảm thấy khó chịu vì họ phải thay đổi bản thân, còn những người như Sergio Aguero lại thành công khi làm theo lời khuyên của Guardiola. Anh chấp nhận di chuyển và chạy nhiều hơn trong các trận đấu, dù cách đá cũ vẫn giúp anh có kỷ lục ghi bàn đáng nể.
"Tôi nhớ Guardiola nói rằng Dortmund có những vấn đề ở hàng thủ", Javi Martinez, tiền vệ trung tâm của Bayern, kể. "Vì thế ông ấy dùng tôi như một phương án gây sức ép lên họ từ sớm. Tôi thi đấu như một số 10, một số 6 (tiền vệ cầm nhịp) và một số 4 (trung vệ) trong trận đấu đó. Tôi khởi đầu ở vị trí trên hàng công và kết thúc ở vị trí dưới hàng thủ. Nếu trận đấu có thêm 10 phút nữa, tôi sẽ thay Manuel Neuer ở vị trí thủ môn".
Nếu một cầu thủ không làm theo lời chỉ dẫn của Guardiola, đôi khi chủ động hỏi các trợ lý dễ hơn là trực tiếp nói chuyện với ông. Đó là lý do Torrent và Mikel Arteta là những thành viên quan trọng của City.
"Khi có chút lấn cấn gì, trong các cuộc họp toàn đội, cầu thủ trở nên giống những cậu học trò trong trường", Torrent nói. "Đôi khi giáo viên hỏi: ‘Các bạn đã hiểu chưa’ không có cánh tay nào giơ lên cả, bởi họ ngại ngùng. Khi một cầu thủ không hiểu thông điệp của HLV, dễ hơn là đi hỏi trực tiếp sau khi cuộc họp kết thúc, nhưng không phải là hỏi Pep, mà là hỏi các trợ lý. Nếu Pep đứng bên phải sân trong buổi tập, bạn hãy đứng ở bên trái, bởi Pep sẽ đưa ra chỉ đạo từ phía đối diện. Bạn có điều kiện sửa dần theo yêu cầu của ông ấy".
"Pep gây sức ép lên mọi người hàng ngày", một cầu thủ giấu tên của City nói. "Ông ấy thiết lập các tiêu chuẩn, thúc đẩy mọi người, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn và khó khăn hơn, có thể đốt cháy tất cả".
Dù vậy, rất nhiều cầu thủ Bayern trở nên thân thiết với Guardiola sau khi ông ra đi, kể cả sau đó Carlo Ancelotti mang đến cách tiếp cận thư thả hơn, khác hẳn với ba năm bị vắt kiệt với thời Guardiola. Hệ quả là sau đó nhiều cầu thủ trụ cột tự tập thêm sau vài tháng dưới quyền HLV người Italy.
Có cầu thủ tỏa sáng khi đá dưới áp lực cao nhưng có cầu thủ lại không thể hiện tốt nhất trong hoàn cảnh đó, vì lo ngại rằng mỗi sai lầm của mình đều bị soi mói và họ sẽ tìm cách tự tách biệt khỏi đội bóng. Vấn đề nằm ở cá tính từng cầu thủ.
Kirchhoff giải thích rõ hơn về sự kỹ càng của người thầy cũ: "Trong các bài chơi rondo 6-2, trong đó sáu cầu thủ giữ bóng chuyền qua lại cho nhau trong một vòng tròn sao cho hai hậu vệ không thể chạm vào bóng, ông ấy sẽ đứng xem và can thiệp ngay để đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi thực hiện đúng các kỹ thuật cơ bản".
Guardiola nhận thức rõ việc phải làm mới đội hình để thay thế các cầu thủ không làm theo mệnh lệnh của ông. Nhưng chi tiết khiến người ta tự hỏi liệu ông còn ở lại Man City vào hè năm sau hay không.
"Vấn đề không nằm ở thể chất mà là tâm lý, phải tập trung cao độ trong mọi thời điểm", Torrent nói. "Nó giúp bạn thành cầu thủ tốt hơn. Đây là điểm mấu chốt của những đội bóng giỏi nhất, đó là động lực chiến thắng, điều mà Pep đang làm. Lao động với cường độ cao, tối đa hóa những chi tiết nhỏ, tạo ra những cầu thủ hàng đầu".
Cầu thủ cũng được chăm lo về thể chất. Không chỉ chăm sóc bữa ăn và nghỉ ngơi - vì nhiều cầu thủ của City còn có HLV thể lực riêng và đầu bếp riêng, mà còn làm mọi thứ để bạn vẫn đá được nếu gặp các chấn thương vặt. "Cậu mệt à", Guardiola hỏi một cầu thủ trong bộ phim tài liệu về City chiếu trên Amazon. "Tiên sư cậu".
Nếu kết quả chụp chiếu cho thấy có những vấn đề nghiêm trọng và khả năng chấn thương sẽ tệ đi nếu ra sân, Guardiola sẽ không mạo hiểm. Nhưng trong nhiều trường hợp, ông sẽ làm việc với đội ngũ y tế của CLB - những người phải làm việc theo đòi hỏi của Guardiola, (ông có rất nhiều mâu thuẫn với bộ phận này tại Bayern), và nếu có thể, cầu thủ đang dính chấn thương vẫn sẽ được khuyến khích ra sân.
Perarnau trích lại cuộc nói chuyện của Guardiola với Jerome Boateng sau khi hậu vệ này lỡ một buổi tập của Bayern vào tháng 11/2015. "Jerome, tôi có hai điều muốn hỏi cậu hôm nay: Đầu tiên tôi cần đảm bảo từ cậu rằng chúng ta có thể cầm bóng từ hàng thủ và thứ hai, tôi muốn cậu thi đấu dù biết cậu đang rất đau. Tôi muốn cậu cho tôi thấy cậu có thể làm được việc này. Trong hai năm qua cậu đã thi đấu tốt, nhưng bất cứ khi nào cảm thấy hơi không khỏe, cậu đều không đá. Khi mùa xuân đến, chúng ta phải gặp nhiều đối thủ thật sự mạnh và cậu phải đá dù vẫn đang dính chấn thương. Tôi cần chắc chắn rằng tôi có thể dựa vào cậu. Tôi muốn biết rằng cậu có thể nhịn đau để đá một số trận nếu mọi thứ ổn".
Guardiola không cần nghỉ ngơi và các cầu thủ không có cơ hội nghỉ ngơi. Đội trợ lý của ông chủ động tổ chức các buổi tập để Guardiola có thời gian phân tích video, nhưng ông vẫn tự mình tham gia và đánh giá các buổi tập. Guardiola chỉ vắng ba buổi tập trong suốt ba năm ở Bayern, và đó đều là những buổi tập hồi phục sau các trận đấu.
Cứ hai ngày sau một trận đấu, khi toàn đội đã tập trung trở lại, đã lại có những video phân tích mới. Thắng thua hay hòa, ông và các trợ lý sẽ sưu tập các clip về màn thể hiện của đội bóng, các điểm tốt và chưa tốt sau các trận. Đặc biệt sau các trận không thắng, đội ngũ của Guardiola tập trung vào những điểm mà họ có thể cải thiện. Vẫn có những sự cố cầu thủ "quên" làm theo chỉ dẫn của Guardiola, đột ngột giảm nhịp độ hoặc tự mãn, đá không theo kế hoạch.
Muniesa nói: "Chúng tôi thắng mọi trận chung kết trong giai đoạn tôi ở Barca, nhưng tôi nhớ nhất một trận giao hữu đầu mùa giải ở Mỹ mà đội thua Chivas 1-4. Pep vào phòng thay đồ và nói với chúng tôi rằng việc tương tự không được tái diễn nữa, đó là nỗi ô nhục, Barca luôn phải giữ hình ảnh tốt và không thể thua 1-4. Ông ấy thật sự đã vì chúng tôi. Rất nhiều người của đội bóng, đặc biệt các cầu thủ trẻ, không thể quên những ấn tượng ấy. Thậm chí trong một trận giao hữu, ông ấy cũng rất nghiêm túc".
Guardiola nói ông thân thiết nhất với các cầu thủ sau các thất bại. Khi mọi thứ đang tốt và ông kiểm soát được tình hình, ông có thể duy trì khoảng cách với cầu thủ, nhưng khi tình hình tệ đi, ông phải cố gắng tiến đến và dựng xây từ đầu.
Nếu các cầu thủ trải qua giai đoạn khó khăn, Guardiola có thể gọi điện hoặc thậm chí đi riêng với họ nếu cả hai đã rời sân tập. Một số cầu thủ Man City có xu hướng quá bi quan sau các thất bại, họ trở về Manchester sau các trận sân khách thất bại mà không nói một lời nào, dù chính người HLV mới chịu những áp lực nặng nề nhất.
Trận bán kết Champions League mà Barca thua Chelsea năm 2012 đã giúp Guardiola đối mặt với việc Bayern bị Atletico loại năm 2016. Nhưng khi City bị loại bởi Tottenham năm 2019 ở tứ kết, sau bàn phút cuối được công nhận bởi VAR, Guardiola đã không nói bất cứ câu nào với người xung quanh trong đúng 2 ngày.
Thậm chí trong những thời khắc đen tối nhất, Guardiola vẫn muốn giữ tinh thần đội bóng. Laporte được nghỉ ngơi ở một loạt các trận đấu lớn, nhưng sau khi mắc hai lỗi ở trận thua Tottenham, anh vẫn được ra sân chỉ vì Guardiola không muốn cầu thủ người Pháp nghĩ rằng anh đang bị trừng phạt.
Các cầu thủ như Mandzukic, Eto’o, Toure và Ibrahimovic vẽ lên bức tranh sinh động về việc Pep cố gắng kiểm soát sự tồn tại của họ. Với Eto’o, HLV người Catalonia đánh giá rằng đội bóng sẽ hay hơn nếu không có anh, bất chấp anh đã ghi 34 bàn trong một mùa giải, và tương tự trường hợp của Hart, người ít nhất đã được trao cơ hội thi đấu trận chia tay ở vòng sơ loại Champions League.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét