Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

'Đi trốn' - câu chuyện về những đứa con thời chiến

Tiểu thuyết “Đi trốn” của Bình Ca sử dụng những đứa trẻ bình thường và hồn nhiên như một tấm giấy quỳ để thử sự khắc nghiệt của thời đại.

Nhiều người sẽ thấp thoáng nhận ra thủ pháp từng được Kazuo Ishiguro - chủ nhân Nobel Văn chương 2017 - sử dụng trong tiểu thuyết làm nên tên tuổi, Never Let Me Go, khi đọc Đi trốn của Bình Ca.

Trong tác phẩm đó, Ishiguro kể cuộc sống của những cô cậu thiếu niên hồn nhiên, chẳng mang nhận thức sâu sắc gì về thời cuộc, cũng không giỏi triết lý. Chúng chỉ đơn giản là những đứa trẻ chưa lớn, hành động bản năng, nghịch ngợm và hoàn toàn không mang một "tầm vóc tư tưởng" nào như một nhân vật chính điển hình trong tiểu thuyết. Chỉ có điều, nhóm bạn ấy bị ném vào một thế giới giả tưởng cay đắng, nơi người giết người. Và sự hồn nhiên của họ trở thành tấm giấy quỳ đo lường sự tàn nhẫn của thế giới, của lòng người.

Đi trốn không đặt các bạn nhỏ vào thế giới giả tưởng mà đặt vào một giai đoạn chiến tranh có thật, được tác giả lấy ra từ ký ức. Đó là giai đoạn giữa thập niên 1960, khi Mỹ bắt đầu leo thang ném bom miền Bắc.

Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty sách Nhã Nam ấn hành. Ảnh: Nhã Nam.

Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty sách Nhã Nam ấn hành. Ảnh: Nhã Nam.

Những nhân vật chính của tiểu thuyết thực tế không có sự gắn kết tinh thần chặt chẽ với những gì đang diễn ra. Bối cảnh lịch sử chỉ hiện lên qua vài dòng dẫn chuyện, không được tác giả cố đầu tư cảm xúc. Dẫu sao, chúng chỉ là những đứa trẻ. Chúng vẫn ị đùn, đánh nhau, vẫn là lũ trẻ con đợi Tết. Tác giả rất nhập tâm trong việc khắc họa chân dung của những-đứa-trẻ, chứ không phải là những nhân vật của một tiểu thuyết chiến tranh. Trước cuộc chiến đang diễn ra, các nhân vật chính vẫn nghịch súng, nghịch kíp nổ (đến mức suýt toi mạng), và coi thuốc nổ của bộ đội là nguyên liệu chế tạo tàu vũ trụ trong trò chơi của riêng chúng.

Thậm chí, mạch truyện chính còn cố dắt những cô cậu thiếu niên này tách hẳn ra khỏi không khí của cuộc chiến tranh. Sau vài sự cố tuổi học trò, chúng rủ nhau đi trốn.

Nhưng suốt hành trình Đi trốn, độc giả vẫn dễ dàng nhận ra trên vai những thiếu niên này là gánh nặng của cả một thời đại. Chúng đã mang vác thời đại ấy một cách thản nhiên, không suy tư; không có nghĩa là thời đại tạo ra một di sản nhẹ nhàng. Ở đây không có chân dung một "thiếu niên anh hùng" trở thành đại diện cho tinh thần tranh đấu rộng lớn, mà lại có một cậu nhóc vì nghĩ rằng nhà mình từng bị đấu tố nhầm trong Cải cách ruộng đất, nên sợ quá phải đi trốn. Ở đây không có những người thấm nhuần luận cương, mà chỉ có những cô cậu ngây thơ hỏi: "Xét lại là tội gì hả ba?".

Bọn trẻ, không suy tư, lại quyết định trốn vào rừng. Nhưng trong những câu chuyện của chúng, giữa rừng thẳm, thời đại vẫn hiện lên. Chúng là những đứa con của chiến tranh, của cả tình thương yêu, đoàn kết lẫn hận thù. Câu chuyện của Sơn, cậu bé sinh ra trong một gia đình "quyết làm bần cố nông đời này" vì bị đấu tố nhầm trong Cải cách ruộng đất là một ví dụ như thế. Sơn bị bố bắt bỏ học từ năm lớp 4, vì "nhiều chữ quá chỉ tổ người ta ghét, không khéo có ngày lại biến thành tạch tạch xè, thành Quốc dân Đảng". Cậu chẳng nghĩ nhiều về việc ấy. Nhưng độc giả sẽ nghĩ.

Cuốn sách này, được viết bởi một người Việt Nam đã đi qua những biến động thời đại, sẽ chỉ có thể được cảm bởi những người Việt Nam đủ quan tâm đến biến động thời đại. Có những lối rẽ lịch sử, vì mưa bom bão đạn, đã không được ghi chép đầy đủ thành những biên bản đàng hoàng và chi tiết. Dấu vết của chúng chỉ có thể được tìm thấy trong ký ức của những đứa trẻ, như chính tác giả Bình Ca - người cũng sinh ra trong ngày tháng ấy. Dấu vết không phải là biên bản. Nhưng đó là tất cả những gì chúng ta còn lại.

Từ những dấu vết ấy, trong trí nhớ của đám trẻ, độc giả của Đi trốn sẽ phải tự soi chiếu lại kiến thức của mình, hoặc tự đọc thêm về những điều mà các nhân vật của chúng ta nhắc đến. Nó rải rác đâu đó, không phải trong thư viện, dai dẳng không biến mất sau nửa thế kỷ hòa bình. "Xét lại là tội gì hả ba?" - với nhiều độc giả trẻ hôm nay, chỉ một vết dấu như thế, đã đủ là một món quà giản dị mà Bình Ca muốn gói lại từ thế hệ mình, rồi trao lại.

Kazuo Ishiguro hay nhiều tác gia lớn khác có thể dùng đời sống tinh thần của những đứa trẻ làm "giấy quỳ" để đặt ra những vấn đề triết học phổ quát, giả như chủ nghĩa nhân văn là gì, hay rộng lớn hơn, thế nào là một con người. Bình Ca chỉ đặt ra những câu hỏi cụ thể về việc chúng ta, những người Việt Nam, đã trải qua điều gì và được tạo ra như thế nào, bằng việc "nhúng giấy quỳ" vào một giai đoạn khắc nghiệt của đất nước. Hoặc có thể tác giả sẽ không thừa nhận điều này. Bởi sau tất cả, bạn có thể vẫn đọc Đi trốn như một tiểu thuyết về cuộc phiêu lưu của các bạn thiếu niên trong rừng sâu, tạm bỏ qua những vết dấu ký ức mà Bình Ca để lại.

Đức Hoàng

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét