Đang ở đỉnh cao phong độ, với ba mùa giành Quả Bóng Vàng, Van Basten bỗng sụp xuống hố sâu thất vọng và giải nghệ ở tuổi 30 bởi cái mắt cá chân "phản chủ".
Hôm ấy, Fabio Capello cũng rơi lệ.
Cảm xúc khi chứng kiến Van Basten vẫy tay chào các CĐV trên sân San Siro khiến HLV lúc đó của Milan không thể kìm lòng.
Đó là một ngày tháng 8/1995, và đã hai năm rưỡi Van Basten không chơi trận nào cho đến trước khi đưa ra quyết định kết thúc sự nghiệp. Những chấn thương mắt cá đã vượt quá sức chịu đựng của ông.
Khi ấy, Van Basten mới 30 tuổi.
"Như một đám tang", Van Basten kể lại với Sky Sports. "Không phải tôi qua đời, mà sự nghiệp bóng đá của tôi đã chết. Tôi cảm nhận rõ điều đó. Đồng đội hiểu, CĐV trên sân San Siro khi ấy và cả những người đang xem truyền hình cũng hiểu điều đó. Thật là một thời khắc đặc biệt trên toàn thế giới, một khoảnh khắc lịch sử".
"Đó là khoảnh khắc chàng cầu thủ trong tôi đã chết".
Ở tuổi 30, lẽ ra Marco Van Basten đang ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng thay vào đó, ông phải nói lời chia tay bóng đá.
Dẫu sự nghiệp dang dở, Van Basten đã kịp giành ba Quả Bóng Vàng. Ông cũng được các HLV thời ấy đánh giá là một trong những tiền đạo hay nhất lịch sử bóng đá. Paolo Maldini, hậu vệ huyền thoại người Italy, gọi ông là chân sút toàn diện nhất. Tony Adams, đội trưởng tuyển Anh, cũng thể hiện sự bất lực khi nói về Van Basten: "Ít ra khi đối đầu với Diego Maradona, tôi còn tranh được bóng bổng".
Đỉnh cao của Van Basten là chức vô địch Euro 1988, nơi ông ghi một bàn thắng được đánh giá là đẹp nhất lịch sử giải đấu. Một cú vôlê tung lưới Liên Xô ở góc siêu hẹp. Cho đến nay, đó vẫn là danh hiệu lớn duy nhất của bóng đá Hà Lan. Với AC Milan, Van Basten hai lần liên tiếp vô địch C1 (mà nay là Champions League), điều mà mãi đến năm 2016 mới có một đội bóng khác làm được (Real Madrid). Khi ấy, ngôi sao người Hà Lan là mũi nhọn, của một trong những tập thể hay nhất lịch sử bóng đá.
Nhưng với Van Basten, cuộc sống không chỉ là những tháng ngày vinh quang.
Năm 1993, Van Basten chơi trận chung kết Champions League, và ông không ngờ rằng đó là lần ra sân cuối cùng. Tại Munich – sân đấu từng chứng kiến không ít khoảnh khắc thiên tài của Van Basten, Milan gục ngã trước Marseille, còn Van Basten rời sân với cái mắt cá đau đớn.
"Nghĩ về trận chung kết ấy mà xem", Van Basten nhớ lại. "Chúng tôi thua bởi mắt cá của tôi quá tệ. Năm 1994 đội vô địch, đến năm 1995 thì thua Ajax. Khi ấy tôi vẫn là thành viên của đội bóng, dù chẳng thể tập tành gì. Tôi vẫn cứ ở đó. Nếu tôi hoàn toàn khỏe mạnh, Milan đã vô địch Champions League ba mùa liên tiếp".
Van Basten thừa nhận ông từng không muốn tin chấn thương mắt cá tồi tệ ấy là sự thật: "Phải đến khi 48 tuổi tôi mới vượt qua được. Đó là khi tôi chấp nhận sự thật là mọi thứ đã chấm hết".
Van Basten bây giờ 56 tuổi. Giải nghệ sớm, ông có nhiều thời gian để hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ và nghĩ về những gì lẽ ra có thể giành được nếu không gặp chấn thương quái ác kia. Khi ấy, mắt cá của Van Basten ngày càng tệ bởi những ca phẫu thuật chắp vá cùng những lời khuyên tai hại.
Van Basten: Gã bác sĩ nói chân tôi sẽ chẳng sao nếu chơi bóng tiếp, thế là tôi lại phải ra sân.
Tất cả bắt đầu từ trận Ajax của Van Basten gặp CLB Groningen năm 1986. Người anh trai lặn lội từ Canada đến xem Van Basten thi đấu, nên ông muốn chơi nhiệt hơn mọi ngày để gây ấn tượng. "Tôi tắc bóng và đột nhiên, mắt cá đau nhói", cựu tiền đạo hồi tưởng. "Điều tai hại là khi ấy, bác sĩ bảo chấn thương không có gì nghiêm trọng và tôi có thể vừa chịu đau vừa đá được. Thế là tôi chơi tiếp, dù vẫn cảm thấy đau".
Khi ấy, Van Basten đã rách dây chằng mắt cá. Nhưng những chấn đoán sai lầm đã hại ông. Johan Cruyff, HLV của Van Basten khi ấy, cũng khuyến khích học trò thi đấu, vì nếu chấn thương được công bố sẽ ảnh hưởng đến vụ chuyển nhượng sang Milan sau đó. "Gã bác sĩ nói chân tôi sẽ chẳng sao nếu chơi bóng tiếp, thế là tôi lại phải ra sân. Với Cruyff, để tôi đá trong tình trạng ấy không phải điều dễ dàng với ông. Thế rồi, chúng tôi đạt một thỏa thuận là Cruyff sẽ chỉ dùng tôi trong các trận thực sự quan trọng", Van Basten hồi tưởng.
Và đúng như thỏa thuận, ông đeo tấm băng đội trưởng trên tay, ghi bàn duy nhất giúp Ajax giành chiến thắng trong trận tranh Cup C2. Nhưng đó cũng là khoảnh khắc Van Basten dần nhận lấy hậu quả từ cái mắt cá. Dù vậy, đó là câu chuyện của hồi sau. Còn bây giờ, hãy nói về những thành tựu vĩ đại của Van Basten.
Chức vô địch Euro 1988, và cú vôlê thần sầu trong trận chung kết có lẽ là những ký ức không thể nào quên, không chỉ với Van Basten mà mọi CĐV Hà Lan. "Cơn lốc màu da cam" đá trận khai màn với Liên Xô mà không có Van Basten trong đội hình xuất phát, và thất bại. Trận tiếp theo gặp Anh, Van Basten trở lại, ghi hat-trick trong chiến thắng 3-1. Lượt trận cuối, họ thắng Ireland để tiến vào bán kết gặp chủ nhà Tây Đức. Van Basten ghi bàn ấn định tỷ số 2-1, trước khi tiến vào chung kết và hạ nốt Liên Xô với cú vôlê từ "góc không độ" - một cú đá mà lúc bình thường, ông cũng chẳng thể đá được.
Trớ trêu thay, chính cái mắt cá chân đang đau đã giúp Van Basten ghi bàn thắng để đời ấy. Anh nhớ lại: "Sau ca phẫu thuật năm 1987, mắt cá của tôi không thể cử động bình thường, chắc chỉ đạt 80%. Đó là hạn chế của tôi, nhưng chính hạn chế ấy đã giúp tôi ghi bàn vào lưới Liên Xô. Nếu mắt cá chân không đau, tôi đã không thể ghim được quả bóng vào góc đấy. Người ta nói chân phải hoàn hảo thì mới ghi những bàn như thế được, nhưng tôi thì không. Đó là một bàn thắng kỳ lạ".
Bàn thắng ấy, cái mắt cá ấy, đã giúp Van Basten giành Quả Bóng Vàng dù chơi chỉ nửa mùa. Đó là năm đầu tiên của Van Basten ở Italy. Phần lớn mùa giải, Van Basten vắng mặt vì chấn thương nhưng điều đó không ảnh hưởng bởi đội chủ sân San Siro lúc đó còn "con quái vật" Ruud Gullit.
"Gullit thu hút mọi ánh nhìn vì cậu ấy chơi quá tốt", Van Basten kể. "Trong sáu hay tám tháng đầu, tôi chấn thương và rất vất vả nhưng Ruud đã giúp tôi lấy hết sự chú ý, để tôi được hồi phục trong bình yên. Nhưng sau chiến tích Euro năm ấy, mọi thứ đã khác. Người Italy chờ đợi tôi thể hiện những phẩm chất của mình".
Cuộc sống tại Italy thời kỳ đầu không dễ dàng với Van Basten. Ông phải làm quen với văn hóa Italy, và đặc biệt là phong cách chơi bóng tại đây, dưới sự chỉ dậy của HLV thiên tài Arrigo Sacchi. Tại Ajax, Van Basten chơi tấn công thì ở Milan, ông phải biết phòng ngự. Các buổi tập của Milan yêu cầu các cầu thủ phải phòng ngự liên tục, không ngừng ngăn chặn đối thủ. Lối đá mà Sacchi áp dụng cho Milan hoàn toàn trái ngược với tư tưởng tấn công mà Cruyff và bóng đá Hà Lan đã bơm vào đầu Van Basten.
Ông nói về sự khác biệt giữa hai HLV: "Bạn sẽ thích làm việc với Cruyff. Ông ấy muốn các cầu thủ chơi thứ bóng đá mà họ thích, muốn họ phải vui vẻ khi ra sân. Bạn muốn tấn công, ông sẽ cho bạn tấn công. Bóng đá với Cruyff luôn phải tích cực. Nhưng ở Italy, với Sacchi thì khác. Ông ấy kỷ luật hơn rất nhiều".
Trình độ bóng đá tại Italy lúc bấy giờ cũng ở tầm cao hơn Hà Lan. Serie A khi ấy là nơi quy tụ của những ngôi sao hàng đầu thế giới. Diego Maradona đơn giản là ngôi sao sáng nhất giải đấu, một tay giúp Napoli giành Scudetto mùa 1989-1990, chức vô địch gần nhất của họ. "Những cầu thủ xuất sắc thế giới đều chơi tại Serie A. Trình độ chơi bóng ở đó là quá cao nên việc ghi bàn là rất khó", Van Basten thừa nhận.
Dẫu vậy, ông vẫn biết cách để chọc thủng lưới đối phương. Mùa 1991-1992, Van Basten ghi 25 bàn và xô đổ thành tích tồn tại hơn một phần tư thế kỷ tại Serie A. Cần nhớ rằng mùa giải ấy, các thủ môn vẫn được bắt trái bóng sau đường chuyền về của đồng đội, để thấy rằng thành tích ghi bàn của Van Basten là hoành tráng đến nhường nào. Cuối năm 1992, Van Basten được vinh danh Cầu thủ xuất sắc thế giới bởi FIFA. Năm ấy, ông 28 tuổi.
Nhưng sau những vinh quang là ác mộng. Sự nghiệp của Van Basten, gần như đã chấm dứt ở độ tuổi đó.
Tháng 12/1992, Van Basten tiếp tục phẫu thuật mắt cá chân. Ông đặt toàn bộ niềm tin vào các bác sĩ, nhưng đổi lại là những đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Van Basten được áp dụng một phương pháp điều trị mà sau này ông tin rằng đã được dùng ở thời Victoria từ gần 200 năm trước, đó là cưa xương. Sau lần đó, cơn đau càng rõ và mật độ càng dày. Van Basten không bao giờ còn là chính mình nữa.
Ông thậm chí còn phải chống nạng ở chính đám cưới của mình. Hàng loạt buổi trị liệu, và hàng tá những phương pháp chữa trị khác nhau được áp dụng nhưng chỉ mang theo những nỗi tuyệt vọng. Thôi miên, châm cứu đều được áp dụng. Van Basten cũng thử đắp túi thuốc thảo dược vào mắt cá. Kinh khủng nhất, là khi phải đeo một chiếc khung ở mắt cá để nắn lại chân trong nhiều tháng, đến nỗi một chiếc đinh vít lồi rõ trên bàn chân. Không ít lần Van Basten nhiễm trùng vì cách chữa trị này.
Van Basten: Với một người phải giải nghệ sớm như tôi, nỗi đau nằm ở tinh thần.
Chẳng phương pháp nào mang lại hiệu quả. Van Basten tuyệt vọng tới mức phải tới Ấn độ, tìm một người chữa bệnh bằng tâm linh. Và trong khoảnh khắc ấy, Van Basten biết sự nghiệp của ông đã đến hồi kết.
"Tôi đã thử mọi cách để cứu vãn sự nghiệp nhưng xương tôi ngày càng mỏng, đến mức sắp gãy. Cuối cùng, những gì tôi muốn chỉ là cơn đau qua đi. Tôi như sống trong bóng tối. Khi một cầu thủ chấn thương, anh ta đơn thuần chỉ gặp những thách thức về mặt thể chất. Nhưng với một người phải giải nghệ sớm như tôi, nỗi đau nằm ở tinh thần. Tôi từng nghĩ mình sẽ chơi bóng đến năm 36 tuổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ. Nhưng rồi tôi buộc phải thay đổi. Tôi khi ấy còn không thể đi lại, với cơn đau ở mắt cá chân. Tôi có thể làm gì đây?".
Cuối cùng, Van Basten chọn cắt mắt cá chân, và đó gần như là lựa chọn duy nhất. Những cơn đau khiến Van Basten thậm chí không chơi đùa được với các con, và phải ngủ một mình vì quá đau. Ông nói rằng mắt cá chân của minh, ở tuổi 22, phải chịu những tổn thương thường gặp ở mắt cá của một người 80 tuổi. Ông chấp nhận phẫu thuật, nhưng cũng chấp nhận chân mình sẽ vĩnh viễn có tật.
"Tôi đã suy nghĩ mình sẽ làm gì trong phần đời còn lại, nếu không thể đi lại được nữa", Van Basten nhớ lại.
Trong đầu Van Basten cũng xuất hiện những câu hỏi đầy tiếc nuối, như kiểu nếu không dính chấn thương quái ác này, sự nghiệp của ông còn đi xa tới đâu. Nếu Van Basten chơi bóng được đến năm 36 tuổi như dự tính, ông sẽ đá đến tận thiên niên kỷ tiếp theo. Thêm năm năm, là thêm bao nhiêu trải nghiệm bóng đá và bao nhiêu đỉnh cao có thể được Van Basten chinh phục. Ông tin rằng mình vẫn có thể chơi tốt ở tuổi 36, như những gì huyền thoại Johan Cruyff từng làm. Đôi chân khi ấy có thể không còn nhanh, nhưng cái đầu lại nhanh nhạy hơn bao giờ hết.
Nhưng ở tuổi 30, đôi chân của Van Basten còn đứng trước nguy cơ không thể đi chứ đừng nói đến chạy. Lẽ ra ông đã có thể có nhiều trải nghiệm đỉnh cao hơn nữa, thay vì chịu những cơn đau không ngừng.
Nhưng, sự nghiệp ngắn ngủi của Van Basten chẳng phải cũng đầy vinh quang và huy hoàng, là niềm mơ ước của nhiều người đó sao? Van Basten nhận ra điều đó, khi đang đi nghỉ ở Cote d’Azur. Van Basten thấy một cầu thủ chơi bóng chuyền bằng chân rất cừ và hỏi người này liệu anh ta từng là một cầu thủ chuyên nghiệp. Câu trả lời Van Basten nhận về khiến ông phải suy nghĩ lại cuộc đời của mình: Jean-Claude, tên người này, chưa từng là một cầu thủ chuyên nghiệp bởi chấn thương dây chằng chéo ở tuổi 16.
Khoảnh khắc ấy, Van Basten nhận ra ông vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Những suy nghĩ về chàng cầu thủ tên Jean-Claude kia không sao thoát khỏi đầu Van Basten trong suốt kỳ nghỉ. Về sau, ông viết trong tự truyện: "Cậu ấy là một cầu thủ tài năng, nhưng lại không có những trải nghiệm như của tôi".
Cuộc đời Van Basten đã chứng kiến nhiều bi kịch của người khác để ông thấy trân trọng hơn những gì mình đã có. Thời nhỏ, ông tận mắt thấy cảnh tượng kinh hoàng khi bạn mình qua đời do rơi qua lớp băng. Một thời gian sau, ông thoát nạn trong vụ đường hầm của sân Ajax sụp xuống. Một nhân viên đội bóng đã phải cắt cụt hai ngón chân, người khác hỏng đốt sống cổ. Van Basten thoát nạn, chỉ bởi vì ông không sớm đi vào đường hầm mà nán lại nói chuyện với một nhà báo.
"Tôi chỉ nghĩ về những gì tôi đã bỏ lỡ trong sự nghiệp của mình. Tôi đã có mười năm tuyệt vời, nhưng lại lỡ mất mười năm sau đó. Sự nghiệp của tôi như cái chai chỉ đầy một nửa, mà tôi thì muốn nó phải trọn vẹn. Nhưng giờ thì không còn nữa. Tôi không còn nghĩ về điều đó. Càng nghĩ, tôi lại càng nuối tiếc".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét