Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu đòi đất Bạch Dinh

Cho thuê 2.500 m2 đất ở Bạch Dinh mở cà phê và quán nhậu, 4 năm qua Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu không đòi được mặt bằng dù hết hợp đồng.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cơ quan quản lý có nhiều động thái, song việc thu hồi mặt bằng Di tích quốc gia Bạch Dinh, số 6 đường Trần Phú (phường 1, TP.Vũng Tàu) không đem lại kết quả. Hiện, bốn quán cà phê và quán hải sản vẫn hoạt động, còn cơ quan quản lý 4 năm qua không thu được bất kỳ khoản tiền nào.

Di tích quốc gia Bạch Dinh tọa lạc trên đường Trần Phú, cạnh bãi biển. Ảnh: Trường Hà.

Di tích Bạch Dinh tọa lạc trên đường Trần Phú, cạnh bãi biển. Ảnh: Trường Hà.

Bạch Dinh (Villa Blanche) được người Pháp xây năm 1898 trên triền núi Lớn làm nơi nghỉ mát của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và từng là nơi giam lỏng vua Thành Thái. Thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Bạch Dinh thành điểm hội họp của tổng thống và các tướng lĩnh. Năm 1992, Bạch Dinh được công nhận Di tích quốc gia, quản lý bởi Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 2011, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép khai thác dịch vụ ở khu vực 2 di tích Bạch Dinh rộng hơn 4.200 m2, phía đường Trần Phú, hướng ra biển Bãi Trước, bằng đầu thầu hạn chế cho 5 hộ nhiều năm gắn bó với di tích kinh doanh cà phê, giải khát. Bảo tàng sau đó ký hợp đồng với ông Đỗ Hữu Côn (cuối hợp đồng 5 hộ cùng ký tên), cho thuê hơn 2.500 m2 với giá 72 triệu đồng mỗi tháng, trong vòng 5 năm. Năm người này tự thỏa thuận diện tích thuê.

Cuối năm 2014, Sở Văn hóa - Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện, ông Nguyễn Khánh (hộ trúng thầu) sang nhượng mặt bằng cho bà Chế Thị Phương Bình với giá hơn một tỷ đồng. Sau đó, bà Bình liên kết với người khác mở quán nhậu. Thay vì thu hồi mặt bằng, lãnh đạo bảo tàng "phạt" ông Khánh và bà Bình 30% giá trị sang nhượng quán, nhưng mới thu được 175 triệu đồng.

Quy định cho thuê mặt bằng Bạch Dinh để kinh doanh giải khát, nhưng người dân đã san nhượng, mở quán hải sản. Ảnh: Trường Hà.

Quán hải sản nằm trong khuôn viên Di tích quốc gia Bạch Dinh. Ảnh: Trường Hà.

Trong thời gian hoạt động, hầu hết các quán tự ý cơi nới, san lấp thêm hơn 530 m2; xây dựng các công trình bán kiên cố. Tuy nhiên phía bảo tàng không ngăn chặn mà hợp thức hóa bằng cách ký phụ lục hợp đồng, thu tiền phần diện tích tăng thêm hơn 15 triệu đồng mỗi tháng.

Trước nhiều bất cập, tháng 7/2016, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu chấm dứt hợp đồng với 5 hộ kinh doanh khi hợp đồng thuê hết hạn cùng năm đó. Các quán phải tháo dỡ công trình, trả mặt bằng cho di tích. Tuy vậy suốt 2 năm bảo tàng họp và vận động 5 hộ đều không mang lại kết quả.

Cơ quan chức năng nhiều lần cắt điện, nước, thu hồi giấy phép kinh doanh... buộc các quán ngừng hoạt đồng. Những hộ kinh doanh lại câu điện từ nhà dân, mua nước sạch và tiếp tục khiếu nại, kiện các quyết định hành chính của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quán cà phê Hoa Sứ vẫn kinh doanh dù hết hạn hợp đồng bốn năm. Ảnh: Trường Hà.

Quán cà phê Hoa Sứ vẫn kinh doanh dù hết hạn hợp đồng đã 4 năm. Ảnh: Trường Hà.

Trả lời VnExpress, các hộ dân cho rằng họ không trả lại mặt bằng do phía bảo tàng không thanh toán công nợ, số tiền đầu tư vào quán rất nhiều nhưng chưa thu hồi được. "Theo hợp đồng, chúng tôi được ưu tiên kinh doanh khi bên A có nhu cầu cho thuê. Bằng chứng là giám đốc bảo tàng nói giữa cuộc họp rằng việc thu hồi mặt bằng để giao cho đối tác mới", bà Chế Thị Phương Bình nói.

Ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phủ nhận thông tin của bà Bình. Ông nói rằng khi bảo tàng tổ chức thanh lý hợp đồng, các hộ dân không chịu đến, hoặc cử người không đúng quyền hạn. Hiện, hợp đồng cho thuê đã hết hạn nên nhà nước phải thu hồi. Mọi việc sẽ giải quyết theo pháp luật.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý để Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi kiện đòi lại mặt bằng ra TAND TP Vũng Tàu, đồng thời thu hồi các quyết định hành chính đã ban hành trước đó do nhận thấy đây là vụ việc dân sự.

Trường Hà

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét